Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 Dành 4% GDP hỗ trợ doanh nghiệp

Để giúp các doanh nghiệp "tăng tốc" trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP. HCM) đề xuất chuyển 100.000 tỷ đồng đầu tư công sang để hỗ trợ các doanh nghiệp và phòng, chống dịch. Ông Nhân cho biết, Thành phố tuy có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước, với khoảng 288.000 doanh nghiệp và 400.000 hộ kinh doanh. Tuy nhiên, bình quân chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ, vốn sản xuất kinh doanh một doanh nghiệp là 41 tỉ đồng, số lao động là 14 người, doanh thu 1 năm là 27 tỷ đồng và đóng thuế 1 năm là 830 triệu đồng.

Theo dự báo, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp tự khởi động lại, không cần hỗ trợ. Còn 80% cần hỗ trợ nhà nước để có đủ vốn lưu động với mức bình quân cho vay khoảng 5 tỷ đồng/doanh nghiệp và 25 triệu đồng/hộ kinh doanh cá thể.

“Với tổng mức vay khoảng 440.000 tỷ đồng thì có thể khởi động lại hầu hết cho doanh nghiệp này”, ông Nhân nói.

Vẫn theo ông Nhân, việc hỗ trợ để vay được 940.000 tỷ đồng thông qua việc giảm 3% lãi suất vay thì tốn khoảng 28.200 tỷ đồng, nếu so với số thuế các doanh nghiệp này đóng góp hàng năm khoảng 277.000 tỷ đồng thì gấp 9,8 lần số tiền  hỗ trợ. Do đó, ông Nhân kiến nghị nên dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp. Hiện nay, chúng ta đã chi hơn 100.000 tỷ đồng, dự kiến còn 100.000 tỷ đồng, thiếu 100.000 tỷ đồng. Số tiền này có thể có sẵn trong đầu tư công nhưng chưa dùng hết do điều kiện không cho phép để thực hiện.

Từ phân tích trên, ông Nhân kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển 100.000 tỷ đầu tư công không chi hết năm nay sang để hỗ trợ các doanh nghiệp và phòng, chống dịch. “Đây là cơ hội để giúp các doanh nghiệp "tăng tốc" trong thời gian tới”, ông Nhân bày tỏ.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh, Bộ Tài chính rất ủng hộ các gói kích cầu để đảm bảo thúc đẩy kinh tế phát triển. “Chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng, hai năm khoảng 40.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu hỗ trợ 4% thì chúng ta có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế, sau đó thúc đẩy tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng, giảm bội chi ngân sách vào những thời kỳ sau”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Rút kinh nghiệm từ hỗ trợ lãi suất năm 2009 giá trị 1 tỷ đồng dẫn đến nợ xấu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thay vì hỗ trợ trên diện rộng và dàn trải sẽ hạn chế lại, đối tượng tập trung vào các đối tượng có khả năng đầu tư, tăng thêm giá trị cho nền kinh tế.

“Đặc biệt là các đối tượng vay không có nợ xấu và đảm bảo đủ điều kiện vay và thủ tục đơn giản, quyết toán dễ dàng và chính xác, chặt chẽ”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

“Kích hoạt” bội chi bằng đầu tư công

Đánh giá về đề xuất tăng mức bội chi ngân sách trong 2 năm 2022-2023 cao hơn mức 4% GDP như Chính phủ trình trong kế hoạch 2022, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), kinh nghiệm giai đoạn 2011-2015 cho thấy, để phục hồi kinh tế sau khủng khoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, chúng ta đã sử dụng công cụ đầu tư công để kích thích tổng cầu bằng cách tăng bội chi ngân sách thông qua phát hành trái phiếu tài trợ.

Do đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị cần sử dụng đầu tư công như công cụ kích thích tổng cầu, làm “vốn mồi” để thu hút đầu tư xã hội. Cần  rà soát lại danh mục đầu tư công trung hạn theo hướng ưu tiên đầu tư cho kết cầu hạ tầng giao thông, kết nối mạng lưới logistics và liên kết vùng, xây dựng hạ tầng số và tăng vốn đối ứng để thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

“Hiện nay, tuy chúng ta lo lắng về trần nợ công và tỷ lệ nợ đến hạn phải trả so với tổng thu ngân sách hàng năm, nhưng dư địa chính sách tài khóa vẫn còn rộng hơn so với chính sách tiền tệ khi phải linh hoạt ứng phó với áp lực tăng nợ xấu và kiểm soát lạm phát”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) cho rằng, cần phải tăng thêm mức bội chi ngân sách để tạo nguồn lực thực hiện mục tiêu kép. Cụ thể, hiện nay bội chi năm 2021 là gần 344.000 tỷ đồng, bằng 4% GDP. Dự kiến phương án đang trình ra Quốc hội năm 2022 là gần 373.000 tỷ cũng bằng khoảng 4%GDP. Trong khi đó, tổng chi đầu tư phát triển năm 2022 dự kiến tối thiểu là 526.000 tỷ đồng. 

“Mặt khác, do các địa phương thường giao tăng chi đầu tư phát triển so với Trung ương giao. Như vậy, dư địa bội chi theo luật vẫn còn khoảng 153.000 tỷ đồng”, đại biểu Hà Đức Minh nói.

 Việt Nguyễn