THCL Tại buổi tọa đàm bàn về vấn đề ATVSTP đối với sức khỏe NTD diễn ra mới đây, tại TP. HCM, Bác sỹ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP. HCM nêu: Vi phạm về ATVSTP đang gây ra những tác hại to lớn, ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe con người.
Theo bà Mai, những thách thức lớn trong việc kiểm soát ATVSTP hiện nay đó là kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng trong các sản phẩm nông sản - thực phẩm, kiểm soát việc vận chuyển các sản phẩm động vật bẩn, trái phép tại các thành phố lớn, kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm…, mặc dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực triển khai bằng nhiều biện pháp nhằm giải quyết thách thức này, song hiệu quả còn khiêm tốn, do thiếu các cơ sở trong xử lý ngay và rốt ráo những vi phạm.
Nhiều đại biểu cho rằng, bao nhiêu vụ việc trầm trọng xảy ra, song các cơ quan chức năng không thể xử lý hoặc chưa xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm. Điều quan trọng, luật pháp đối với quản lý ATVSTP hiện nay, đã thiếu, còn chồng chéo.
Bác sỹ Trần Văn Ký, đại diện Hội KH-KT ATTP Việt Nam băn khoăn: Mặc dù, lĩnh vực ATTP có tới 3 bộ cùng tham gia (Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và Bộ Y tế), quản lý theo kiểu phân đoạn các khúc. Song trên thực tế, sự phân cấp trách nhiệm rất “mù mờ”, khiến các bên thường “đá bóng trách nhiệm”!
Chính phủ ra quyết định xử phạt hình sự đối với những hành vi sử dụng các chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, quyết định này, đang vấp phải một số vấn đề về thực thi.
Bởi lẽ, có hàng nghìn loại thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật khác nhau tung hoành trên thị trường. Trong đó, rất nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc (hơn 80% nhập khẩu từ Trung Quốc). Với số lượng thuốc lớn như vậy, một khi đã phân phối ra hàng nghìn đại lý, hàng triệu nông dân thì việc kiểm soát đối với những loại thuốc bị cấm - là hoàn toàn vô vọng. Chưa kể tới việc có sự “thỏa hiệp” giữa một số cán bộ thực thi pháp luật với những người vi phạm - đang trở nên phức tạp, đòi hỏi một giải pháp phù hợp với thực tế và triệt để hơn trên bước đường săn lùng và tiêu diệt thực phẩm bẩn.
Thịt lợn (heo) chứa chất tạo nạc; thịt gà tẩm màu bằng chất vàng ô; thịt thối bị phù phép thành thịt tươi; bún, bánh phở có chứa hàn the, chất phát sáng; hoa quả ngâm hóa chất và chất bảo quản; rau muống tưới bằng dầu nhớt; cà phê rang - xay làm từ bắp, đậu nành và hóa chất; thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh bị làm giả…
Những kẻ độc ác, rắp tâm sản xuất, chế biến, buôn bán, tàng trữ, tiêu thụ thực phẩm bẩn ngoài thị trường, cũng chính là những người đang trực tiếp hay gián tiếp “giết” người thân trong gia đình mình! Cái vòng luẩn quẩn đó sẽ không dừng lại, không ngắt quãng, trừ phi chính họ tự nhận thức rõ trước nguy cơ này.
Chưa có số liệu thống kê hay điều tra cụ thể, toàn diện về mức độ vi phạm ATVSTP hiện nay tại Việt Nam, nhưng với việc những thông tin vi phạm trong lĩnh vực này vẫn hằng ngày, hằng giờ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông - đang là nỗi lo lớn nhất của NTD. Vì vậy, thay vì chỉ biết lo lắng, hoang mang, NTD cần trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân và gia đình.
Các chuyên gia khuyến nghị, hơn ai hết, tới mức thực phẩm bẩn đã trở thành vấn nạn, quốc nạn, NTD chớ nên quá “ngù ngờ” - cần hiểu đúng để tự cứu mình! Phải mạnh dạn, kiên quyết tẩy chay những sản phẩm mập mờ xuất xứ, khi đó, thực phẩm bẩn sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường.
Nên suy nghĩ một chút trong việc lựa chọn những nơi bảo đảm an toàn, chẳng hạn, các cơ sở mà ở đó các cơ quan chức năng đã kiểm tra, các cơ sở lớn, có địa chỉ tin cậy, uy tín, có nhãn mác, có nguồn gốc rõ ràng, hoặc chí ít cũng nên mua thực phẩm ở hàng quen. Chớ nên mù quáng và hãy dành thời gian tìm hiểu - biết cách phân biệt thực phẩm có màu sắc, mùi bất thường, không mua thực phẩm quá rẻ (chí ít thì độ rủi ro sẽ là thấp nhất so với việc mua hàng hóa trôi nổi trên thị trường)…
NTD cũng cần chọn lọc thông tin trong ma trận các thông tin về thực phẩm không an toàn nhằm tránh tâm lý lo lắng thái quá, trước vấn nạn này.
Xuân Phong