Kế hoạch với mục tiêu tạo động lực mạnh mẽ trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) ở tất cả các lĩnh vực giao thông vận tải để thực hiện hiệu quả chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, đồng thời nâng cao vai trò của tập thể lãnh đạo, gắn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị, địa phương, người phụ trách công tác bảo đảm TTATGT.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, phong trào thi đua được triển khai, thực hiện từ nay đến hết ngày 31/12/2023, phát động đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng Nhân dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh:

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông;

Tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 1840/KH-UBND ngày 10/6/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025; tiếp tục kiện toàn nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban An toàn giao thông các cấp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới;

Nghiên cứu, tham mưu, góp ý cấp có thẩm quyền hoàn thiện chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT, nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn; lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào các quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải;

Thi đua đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý xóa bỏ các "điểm đen" điểm gây mất an toàn giao thông và đồng thời rà soát các tuyến đường dân sinh đấu nối với quốc lộ, tỉnh lộ; những vị trí đấu nối tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn do tính chất "xung đột" các luồng giao thông.

Cơ quan chức năng đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đảm bảo TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi chấp hành pháp luật làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và các hạ tầng số để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân khi tham gia giao thông, mở rộng việc tuyên truyền, giáo dục về Luật Giao thông hơn nữa đến các vùng sâu, vùng xa và trong nhà trường.

Đồng thời, cơ quan chức năng vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của từng cơ quan, đơn vị; nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ cấp cứu, chữa trị và phục hồi sức khỏe cho nạn nhân tai nạn giao thông; đẩy mạnh việc tập huấn, phổ biến kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho các lực lượng chức năng, người điều khiển phương tiện và toàn dân…

PV