Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh Thái Nguyên. Trong những năm qua, hệ thống mạng lưới trường lớp của tỉnh đã phát triển đều khắp từ mầm non đến phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Từ năm 2016 đến thàng 12-2019, toàn tỉnh đã thành lập mới 29 trường, sáp nhập được 30 trường phổ thông; số trường đạt chuẩn quốc gia là 572/683 trường. Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học trên toàn tỉnh đạt 71,98%, 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, đối với lớp 1 đã đảm bảo 1 lớp/phòng để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Với chủ trương “lấy chất lượng để duy trì và phát triển số lượng”, 5 năm qua, các chỉ số đánh giá đều đạt mức cao so với giai đoạn 2010-2015. Chất lượng giáo dục tỉnh Thái Nguyên có chuyển biến rõ nét, bền vững. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang tích cực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trước hết là đối với lớp 1.
Trao đổi về nguồn lực đầu tư cho giáo dục, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn song Thái Nguyên là một trong những tỉnh chi ngân sách địa phương cho giáo dục lớn và tăng qua từng năm. Năm 2020, nguồn ngân sách địa phương chi cho giáo dục là khoảng 3.700 tỷ đồng.
Đồng chí Vũ Hồng Bắc Phó Bi thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng, “Thái Nguyên phải tiếp tục khẳng định mình để trở thành trung tâm của vùng trung du miền núi phía Bắc”, từ đó, mong muốn, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục có những hỗ trợ, quan tâm, ưu tiên để giáo dục và đào tạo Thái Nguyên phát triển.
Đánh giá cao kết quả giáo dục và đào tạo của tỉnh Thái Nguyên không chỉ trong năm học 2019-2020 mà trong cả nhiệm kỳ vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các chỉ số của giáo dục địa phương đã cơ bản đạt và vượt.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên
“Phải đặt trong cả khu vực miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn mới thấy kết quả đạt được là cố gắng lớn”, Bộ trưởng nói, đồng thời chỉ ra một số kết quả quan trọng của giáo dục Thái Nguyên như chất lượng phổ cập giáo dục, khả năng tiếp cận giáo dục của học sinh các bậc học; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn; các điều kiện đảm bảo chất lượng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng, giáo dục Thái Nguyên vẫn còn một số khó khăn nhất định, trong đó, các thiết chế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở địa bàn miền núi còn hạn chế; vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, tỷ lệ đạt chuẩn, trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 còn thấp; giáo dục mũi nhọn đã được cải thiện nhưng cần được đầu tư hơn nữa để hướng tới các giải thưởng quốc tế.
Để giải quyết bài toán khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cho giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh Thái Nguyên xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và đề án đầu tư cơ sở vật chất cho giai đoạn 5 năm tới (2021-2026), từ đó nhìn rõ bức tranh thực trạng, có giải pháp căn cơ để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũng như xác định nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất.
Đề cập đến một đề án quan trọng nữa mà tỉnh Thái Nguyên cần tập trung xây dựng và thực hiện trong giai đoạn 5, 10 năm tới, đó là đề án phát triển nguồn nhân lực địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đề án này sẽ giúp Thái Nguyên chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực cho từng nhóm ngành nghề cụ thể, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội lâu dài và bền vững.
Với vị thế của một đại học vùng đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên - là động lực phát triển không chỉ của tỉnh mà còn cả khu vực, theo Bộ trưởng, Đại học Thái Nguyên cần tham gia tư vấn, hỗ trợ địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai cả 3 đề án: Phát triển đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất và đề án phát triển nguồn nhân lực.
Trao đổi thêm với Đại học Thái Nguyên về định hướng phát triển, Bộ trưởng lưu ý, Đại học Thái Nguyên cần căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh Thái Nguyên và rộng hơn là cả khu vực để quy hoạch lại ngành nghề đào tạo. Đồng thời, căn cứ vào năng lực của các trường để thành lập các nhóm nghiên cứu, dần hình thành nhóm nghiên cứu mạnh.
Đánh giá cao việc Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) vừa qua đã nghiên cứu thành công bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, Bộ trưởng đề nghị, Đại học Thái Nguyên cần tiếp tục tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học khác, nhất là của nước ngoài để triển khai các hoạt động nghiên cứu ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, chủ động hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng theo đơn đặt hàng với tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực.
Đối với mô hình 2 cấp hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tiếp tục rà soát, đổi mới cách thức hoạt động, quản lý, tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở thành viên, tạo điều kiện để các trường thành viên được tự chủ cao nhất nhưng vẫn đảm bảo những quy định có tính chất tập thể. Trong việc đầu tư cơ sở vật chất, cần tăng cường các nguồn lực dùng chung.
“Đại học Thái Nguyên rất quyết liệt gắn chặt chẽ với sự phát triển của địa phương, vì vậy, tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm, tạo cơ hội cho sự phát triển của trường”, Bộ trưởng nói.
Hoàng Công Luận