Hiện, NHCSXH huyện Định Hóa là đơn vị có dư nợ lớn nhất tỉnh, những năm qua, thông qua việc ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội đơn vị đang thực hiện cho vay 17 chương trình, gồm: Hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường... với tổng dư nợ hơn 535 tỷ đồng cho 12.400 hộ vay, thông qua 470 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, vốn vay cho hộ nghèo, cận nghèo chiếm tới 226,5 tỷ đồng, với gần 6.000 hộ vay.

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Định Hóa cho biết: Từ tháng 3-2019, đối tượng chính sách không chỉ được vay với lãi suất thấp (6,6%/năm), mà ở 4 chương trình: Vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và hộ dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn còn được nâng mức vay và thời gian vay tối đa cao hơn trước. Cụ thể, mức vay nâng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/hộ và thời gian vay tối đa từ 5 năm lên 10 năm, trong khi đó lại không cần thế chấp tài sản. Đây là điều kiện tốt để người dân mở rộng quy mô kinh doanh hay chăn nuôi, trồng trọt.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Nam, qua rà soát, các đối tượng vay vốn chính sách trên địa bàn huyện Định Hóa đều sử dụng đúng mục đích, đầu tư có hiệu quả trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, nhờ đó tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH huyện Định Hóa luôn ở mức thấp (dưới 0,06%). Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nhờ nguồn vốn từ NHCSXH huyện Định Hóa, gia đình chị Nguyễn Thị Điệp xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường phát triển mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.Nhờ nguồn vốn từ NHCSXH huyện Định Hóa, gia đình chị Nguyễn Thị Điệp xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường phát triển mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp được đầu tư bài bản của gia đình chị Nguyễn Thị Điệp, ở xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết chỉ cách đây hơn 2 năm, gia đình chị vẫn là một trong những hộ nghèo của xã. Chị Điệp phấn khởi: Trước đây, thu nhập của gia đình tôi chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng và chăn nuôi nhỏ. Tôi muốn phát triển mô hình trồng rau sạch từ lâu nhưng lại không có vốn. Đến năm 2016, thông qua chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH huyện Định Hóa, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng để làm 1.500m² nhà lưới trồng rau sạch. Với nhu cầu thị trường ngày càng lớn, lượng rau thu hoạch đến đâu đều bán hết đến đó, chỉ riêng trong năm đầu đã thu về gần 100 triệu đồng. Thu nhập từ trồng rau và vay thêm người thân, đầu năm 2017, gia đình tôi xây dựng thêm chuồng trại để nuôi 500 con gà. Thấy hiệu quả, gia đình tôi tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi lên 2.000 con gà và 1.000 con vịt. Hiện, thu nhập của gia đình đạt gần 200 triệu đồng/năm. 

Ngoài gia đình chị Điệp, những năm qua, hàng nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Bảo Cường đã được tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH để phát triển kinh tế. Chị Đỗ Thị Làn, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Hiện nay, 4 tổ chức chính trị - xã hội của xã nhận ủy thác nguồn vốn từ NHCSXH huyện với tổng dư nợ gần 19 tỷ đồng cho 800 hộ vay. Để nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, đúng mục đích, phát huy hiệu quả, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát định kỳ về mục đích sử dụng nguồn vốn. Đồng thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các hộ dân để thông tin với ngân hàng kịp thời có biện pháp giúp đỡ, xử lý.

Hoàng Công Luận