Siêu thị Hoàng Mấm bày bán đồ hết hạn sử dụng
Điểm đến tiếp theo mà phóng viên (PV) có mặt là siêu thị Hoàng Mấm đặt tại số 02 đường Minh Cầu, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Đây là siêu thị thuộc sở hữu của Công ty TNHH Hoàng Mấm – một đơn vị nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, kinh doanh nhiều ngành nghề như: Nhà hàng, khách sạn, nội thất… Siêu thị này cũng được coi là siêu thị có tiếng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên với đa dạng các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, khi tiếp cận siêu thị này, PV cũng quan sát được những bất ổn liên quan đến hàng hóa đang được bày bán tại đây.
Cụ thể, tại đây ngoài những mặt hàng nông sản phổ biến trong nước, chủ siêu thị này còn khéo léo bày bán nhiều trái cây nhập khẩu bắt mắt. Bên ngoài mỗi trái cây còn được dán tem nhãn sản phẩm in chữ nước ngoài. Cùng với đó, chủ siêu thị đóng hộp, khay mỗi các loại củ, quả để bán cho khách.
Tuy nhiên, bên ngoài những khay, hộp hoa quả này không hề có bất kỳ thông tin nào liên quan đến đơn vị phân phối, nhập khẩu những loại trái cây trên.
Đáng chú ý, một số khay hoa quả bày bán tại siêu thị này đã quá hạn sử dụng từ 02 đến 07 ngày tại thời điểm PV có mặt tại siêu thị, có những khay quả đã bị hỏng một phần nhưng vẫn được bày bán.
Tiếp tục di chuyển vào trong siêu thị, tại quầy bán thực phẩm tươi sống cụ thể là thịt lợn, thịt gà,… các sản phẩm được bày nhiều, không được che đậy, bọc, dán, không rõ nguồn gốc số thực phẩm này được nhập từ đâu.
Pháp luật đã quy định rất rõ và coi lĩnh vực kinh doanh buôn bán thực phẩm tươi sống là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chủ cơ sở kinh doanh phải thiết kế các khu vực kinh doanh thực phẩm, vệ sinh, thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ phải tách biệt, phù hợp với yêu cầu của từng loại thực phẩm kinh doanh, cửa nhà vệ sinh không được mở thông vào khu vực bảo quản thực phẩm, tránh gây ô nhiễm sang khu vực bên cạnh.
Cùng với đó, Bộ Thương mại cũng đã ban hành Quy chế hoạt động của siêu thị chỉ rõ: Những hàng hóa đang kinh doanh tại siêu thị phải có mã số, mã vạch đối với những loại hàng hóa có thể đăng ký mã số, mã vạch để thuận tiện cho công tác quản lý của Siêu thị, Trung tâm thương mại và giám sát của khách hàng.
Đối với hàng hóa là thực phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm và ghi rõ thời hạn sử dụng trên bao bì đóng gói. Nếu là nông sản, thực phẩm ở dạng tươi hoặc sơ chế không có bao bì đóng gói sẵn thì phải qua chọn lọc, phân loại, ghi rõ xuất xứ, chất lượng và thời hạn sử dụng tại giá hàng, quầy hàng.
Ngoài ra, tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại Siêu thị, Trung tâm thương mại phải có giá bán được thể hiện rõ ràng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc được niêm yết tại giá hàng, quầy hàng, điểm kinh doanh dịch vụ.
Dạo quanh một vòng siêu thị, PV nhận thấy mặc dù là siêu thị, nhưng đa phần những sản phẩm nông sản nhập khẩu, nhu yếu phẩm tại đây đều không được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Ngoài ra, các sản phẩm như rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà đều không thể hiện rõ nguồn gốc xuất xứ, đơn vị cung ứng là đơn vị nào. Các sản phẩm nông sản như trên vô tư bày bán như ngoài chợ, bất chấp các quy định của pháp luật liên quan.
Bánh kẹo ngoại nhập không tem nhãn phụ tiếng Việt
Tiếp tục di chuyển đến siêu thị Việt Trà nằm trên đường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, một siêu thị được coi là thiên đường mua sắm bởi nơi đây bày bán đa dạng các mặt hàng thiết yếu, đồ gia dụng, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, được bày bán phục vụ người dân.
Bước vào bên trong siêu thị, trước mắt PV là một không gian rộng lớn bày bán hàng nghìn chủng loại sản phẩm, bày bán bắt mắt với giá cả từ vài chục đến hàng trăm nghìn một sản phẩm. Ngoài những mặt hàng nội địa thông dụng, chủ siêu thị này còn bày bán nhiều loại sản phẩm ngoại nhập như: Bánh kẹo, nước ngọt, sữa, mỹ phẩm,… nhập ngoại phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng, tuy nhiên những sản phẩm này hầu hết đều không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Cụ thể, tại quầy bày bán bánh kẹo, nhiều mặt hàng bánh kẹo nhập ngoại trên bao bì ghi rõ các sản phẩm này đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Nga,… Nhưng hầu hết trên các sản phẩm này không được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm tại thị trường Việt Nam.
Bắt gặp một khách hàng đang phân vân đứng trước quầy bánh kẹo ngoại nhập, vị khách này chia sẻ: “Ở đây rất nhiều sản phẩm là bánh kẹo ngoại nhập, nhưng tên bao bì sản phẩm không được dán thông tin bằng tiếng Việt. Nhiều lúc tôi cũng băn khoăn, không biết sản phẩm đó là sản phẩm gì, sản xuất từ đâu, liệu rằng sản phẩm này có chất lượng hay không?”.
Ngoài các sản phẩm thiết yếu, chủ siêu thị này còn “cài” thêm nhiều mặt hàng đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên qua quan sát, các sản phẩm đều không được dán nhãn phụ bằng tiếng Việt trên sản phẩm, rất “tù mù” về thông tin, nguồn gốc sản phẩm khiến người mua hàng như lạc vào mê hồn trận khi muốn tìm hiểu về những sản phẩm này.
Từ những ghi nhận trên tại siêu thị Việt Trà, PV nhận thấy hầu hết những sản phẩm ngoại nhập được bày bán tại đây đều không được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu vi phạm về pháp luật liên quan đến hàng hóa ngoại nhập đang được bày bán trên thị trường.
Các mặt hàng PV Thương hiệu và Công luận nêu trên đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm những quy định của pháp luật liên quan đến đến kinh doanh hàng hóa, nhưng vẫn đang được bày bán công khai.
Những thông tin trên xin được gửi tới Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc xác minh làm rõ, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Ở bài viết tiếp theo, PV tiếp tục gửi tới độc giả những ghi nhận tại một số siêu thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như là một minh chứng về thực trạng kinh doanh hàng hóa tại tỉnh này, nhất là dịp cuối năm nhu cầu mua sắm lên cao, vấn đề đảm bảo an toàn, tránh gian lận thương mại đang được quan tâm trong thời điểm hiện nay.
(Còn nữa)
Tâm An-Đoàn Huế