LTS: Những tác động tiêu cực từ việc kinh doanh, buôn bán hàng giả hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ mang lại cho xã hội là không nhỏ, không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, mà còn làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính.
Để rộng đường dư luận, phóng viên (PV) tạp chí Thương hiệu và Công luận khảo sát một số điểm tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, nhằm cung cấp tới độc giả góc nhìn về thực trạng hàng hóa tại tỉnh Thái Nguyên trong thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm, tiêu thụ sản phẩm đang tăng cao hiện nay.
Thái Nguyên là một tỉnh trung du thuộc vùng Đông Bắc Bộ, với tỉnh lỵ là thành phố Thái Nguyên, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 75 km và là tỉnh nằm trong Vùng thủ đô Hà Nội, nơi đây tập trung dân cư với mật độ đông. Những ngày cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân thành phố Thái Nguyên có phần tấp nập. Để đi tìm câu trả lời về thực trạng hàng hóa được bày bán tại đây, phóng viên (PV) đã tiếp cận nhiều cửa hàng, siêu thị có tiếng trên địa bàn thành phố. Và, không khó để có thể bắt gặp những vi phạm của các siêu thị trong việc bày bán công khai những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cũng như vi phạm về nhãn mác hàng hóa tại những điểm PV có mặt.
Bài 1: Siêu thị Mai Chi bán hàng không tem nhãn phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ
Điểm PV tiếp cận đầu tiên là siêu thị Mai Chi nằm tại Km6, QL3, Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên. Đây là một siêu thị lớn, tập trung bày bán nhiều sản phẩm bánh kẹo, đồ điện tử gia dụng, đồ chơi trẻ em,… Mỗi ngày lượng người tiêu dùng trên địa bàn và địa bàn lân cận vào siêu thị Mai Chi rất nhiều.
Thế nhưng, PV "mục sở thị" thì thấy, nhiều hàng hóa tại đây vi phạm quy định. Cụ thể: Siêu thi nhập khẩu bày bán tại đây nhiều sản phẩm không được dán tem nhãn phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại quầy bày bán bánh kẹo, nhiều mặt hàng bánh kẹo nhập ngoại trên bao bì ghi rõ các sản phẩm này đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, … Nhưng hầu hết trên các sản phẩm này không được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm tại thị trường Việt Nam.
Tiếp tục di chuyển đến khu bày mỹ phẩm và các sản phẩm phục vụ nữ giới, PV ghi nhận tình trạng tương tự, sản phẩm ngoại nhập, được bày bán với bao bì in chữ Trung Quốc. Tuy nhiên không thấy bất kỳ một thông tin nào liên quan đến sản phẩm, đơn vị nhập khẩu bằng tiếng Việt.
Các sản phẩm bánh kẹo, đồ dùng, mỹ phẩm phục vụ trẻ em nhập ngoại. Cụ thuể, tại quầy đồ chơi trẻ em, các sản phẩm được bày bán tại đây đa phần các sản phẩm đồ chơi đều được in chữ nước ngoài trên bao bì.
Ngoài những thông tin in bằng chữ nước ngoài trên bao bì của sản phẩm, không có bất kỳ thông tin bằng tiếng Việt nào liên quan đến đơn vị nhập khẩu, chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Đáng chú ý có những sản phẩm còn “trắng” thông tin, “tù mù” về nguồn gốc xuất xứ, ngoài thông tin về giá bán, không có thông tin liên quan đến đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu.
Theo quy định, đồ chơi trẻ em phải có tên sản phẩm, trên bao bì phải in xuất xứ rõ ràng tên, địa chỉ nơi chịu trách nhiệm về chất lượng đồ chơi. Nếu sản xuất trong nước thì sản phẩm phải đề thông tin công ty sản xuất; nếu là hàng nhập khẩu thì ghi thông tin nhà nhập khẩu.
Cũng tại Quy định về Quy chuẩn Việt Nam số 3:2019/BKHCN nêu rõ, đồ chơi trẻ em thuộc phạm vi của Quy chuẩn kỹ thuật phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường.
Đối với đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo, đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc không qua kiểm định thường có nguy cơ được sản xuất từ nhựa tái chế, bơm tẩm chất phụ gia, chất tạo màu công nghiệp, nhất là chất PAE (Phthalic Acid Esters) - một hóa chất gây hại cho hệ sinh sản. Nếu trẻ ngậm, mút, ngửi, thổi hoặc trực tiếp tiếp xúc với chất độc này sẽ có nguy cơ tổn thương nghiêm trọng tới sự phát triển về cả thể chất và tinh thần.
Thương hiệu và Công luận tiếp tục phản ánh tới độc giả những ghi nhận về thực trạng hàng hóa tại một số siêu thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ở những bài viết tiếp theo.
(Còn nữa)
Tâm An