Trong những năm qua, cùng với sự phát triển toàn diện về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có những bước đi ban đầu rất tích cực. Hạ tầng viễn thông tương đối tốt, việc triển khai giải quyết thủ tục hành chính qua mạng đạt 34,87%, tỷ lệ xử lý hồ sơ điện tử đạt 65,84% là tiền đề cho xây dựng chính quyền số.
Với quyết tâm chính trị và tư duy đổi mới, tin tưởng rằng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên sẽ hiện thực hóa mục tiêu nghị quyết chuyên đề đầu tiên của nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Ngày 31/12/2020, Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, với quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước, tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời ngày 31/12 hằng năm đã được chọn là Ngày chuyển đổi số của tỉnh, để tổ chức đánh giá kết quả đạt được trong năm và là dịp để người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nêu các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế của tỉnh. Hiện nay, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, phần mềm một cửa đã được Thái Nguyên triển khai đến tất cả các cơ quan nhà nước, từ cấp xã đến cấp tỉnh. Thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 80%; cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 50%.
Để đạt mục tiêu, Mục tiêu trở thành trung tâm chuyển đổi số của Khu vực Trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Từ đó tạo tiền đề để năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Để hiện thực hóa mục tiêu trên đòi hỏi từng cấp, ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức trong tỉnh cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương sẽ chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số theo điều kiện thực tiễn của ngành, lĩnh vực và địa phương. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, CCVC về chuyển đổi số, tập trung chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số ở địa phương…
Trong đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ CCVC phải đi trước, dẫn đường, các doanh nghiệp, doanh nhân nhận thức đây là vấn đề sống còn, là con đường duy nhất để phát triển. Nhân dân hiểu rõ chính quyền số sẽ đem đến sự phục vụ tốt nhất cho người dân; kinh tế số mở ra nhiều cơ hội để người dân nâng cao thu nhập và mức sống; xã hội số đem lại nhiều lợi ích mà ở đó người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng hướng đến. Và như vậy, chuyển đổi số trở thành trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân chứ không phải chỉ là công việc của chính quyền, doanh nghiệp.
Đồng thời tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông số, ưu tiên các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, du lịch, các dịch vụ công. Trong năm 2021, Thái Nguyên sẽ thí điểm chuyển đổi số ở bốn xã miền núi đặc biệt khó khăn, gồm: xã Phúc Thuận (thị xã Phổ Yên), xã La Bằng (huyện Đại Từ), xã Bình Thành (huyện Định Hóa), xã Sảng Mộc (huyện Võ Nhai). Trong đó, tỉnh ưu tiên thực hiện ở lĩnh vực giáo dục trực tuyến để học sinh vùng sâu, vùng xa tiếp cận được bài giảng chất lượng cao; ưu tiên hệ thống khám, chữa bệnh từ xa cho người dân vùng sâu, vùng xa; mở các sàn giao dịch thương mại điện tử để người dân bán được các sản phẩm nông nghiệp...
Hoàng Thiệp