Thực hiện Kế hoạch khảo sát tài nguyên hang động, phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2021, đoàn chuyên gia thám hiểm của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã tổ chức khảo sát, thực hiện thám hiểm, xác lập bản đồ, số liệu, hình ảnh tư liệu tại Thái Nguyên.

Chương trình khảo sát được tổ chức trên cơ sở hợp tác giữa Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên. Trước đó, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Quảng Bình đã có buổi làm việc với các chuyên gia của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh và công ty Oxalis Adventure – những người góp phần làm nên thành công của hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình.

 

Lãnh đạo UBND và Sở VHTT&DL tỉnh Thái Nguyên tặng quà đoàn khảo sát.
Lãnh đạo UBND và Sở VHTT&DL tỉnh Thái Nguyên tặng quà đoàn khảo sát.

Bên cạnh đó, trước đó như Thương hiêu và Công luận đã đưa tin: Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã có Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020- 2025. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cũng đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu các tài nguyên hang động phục vụ cho phát triển du lịch bền vững với nhóm hội viên của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tại Việt Nam.

Theo báo cáo khảo sát hang động tỉnh Thái Nguyên của Đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tại Việt Nam, Đoàn đã khảo sát một số hang như: Hang Chùa (huyện Đồng Hỷ), hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (huyện Võ Nhai) cho thấy một thực tế để quyết định hướng đi trong phát triển du lịch tại địa phương.

 

Hang Chùa (huyện Đồng Hỷ)
Hang Chùa (huyện Đồng Hỷ).

Hang Chùa có tổng chiều dài khoảng 750m. Đây là hang động khô, có tuổi đời khá già, có một số măng đá đẹp nhưng đã bị phá hỏng, ít tiềm năng cho du lịch mạo hiểm. Tuy nhiên, khu vực này có thể phát triển một số loại hình du lịch khác như leo núi, chèo thuyền kayak, trải nghiệm sinh thái đồi chè. 

Hang Phượng Hoàng có tổng chiều dài 476m, đã có thay đổi kết cấu hang để phục vụ cho mục đích du lịch. Hang động khá rộng với nhiều thạch nhũ đẹp, cần được bảo vệ kỹ càng; cần cấm rác thải và viết chữ trên tường. Đoàn khảo sát đề xuất nên thay đổi loại đèn trong hang, từ đèn màu sang đèn có ánh sáng trắng.

 

Hang, động suối Mỏ Gà ( huyện Võ Nhai)
Hang, động suối Mỏ Gà ( huyện Võ Nhai).

Sau chuyến khảo sát, các chuyên gia quốc tế đánh giá, nhiều hang động của tỉnh Thái Nguyên có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Trong đó, hang Suối Mỏ Gà là một hang nước đẹp và giàu tiềm năng để phát triển du lịch mạo hiểm. Rất có thể đây là một hang động dài và cần khảo sát thêm.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng trên 20 hang động, trong đó có những hang động đẹp gắn với lịch sử, danh lam thắng cảnh có tiềm năng khai thác phát huy giá trị về phát triển du lịch như: Hang Chùa ở xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, hang Sa Khao xã Phú Thượng, hang Ốc xã Bình Long, hang Huyện xã Tràng Xá (Võ Nhai), động Linh Sơn, chùa Hang (thành phố Thái Nguyên), hang Thủng, hang Keo Cướm, hang Cuốn Lộng xã Yên Trạch (Phú Lương)… hang động ở tỉnh Thái Nguyên thường nằm ở các địa bàn có núi đá là hang đá tự nhiên nằm trong một quần thể rộng lớn, xen lẫn đá núi và rừng cây lâu năm.

 

Hang Phượng Hoàng ( huyện Võ Nhai)
Hang Phượng Hoàng ( huyện Võ Nhai).

Thông tin từ Sở VHTT&DL tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong thời gian tới đơn vị này sẽ phối hợp với các địa phương thắt chặt quản lý hang động, triển khai các hoạt động bảo tồn. Sở VHTT&DL sẽ xây dựng đề án, xác định các sản phẩm du lịch hang động, du lịch mạo hiểm. Đồng thời Sở sẽ mở rộng khảo sát đối với một số hạng động khác trong tỉnh để có cơ sở đánh giá, bổ sung xây dựng chiến lược phát triển du lịch tại địa phương.

Hoàng Thiệp