Để nâng cao giá trị sản xuất, những năm gần đây, bà con nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở từng địa phương. Việc chuyển đổi bước đầu mang lại những kết quả tích cực, góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo điểm nhấn trong phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần cải tạo và mở rộng diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, thị trường ổn định như: Nhãn, na, ổi... Đồng thời, phát triển một số vùng cây ăn quả với một số giống mới như: Thanh long ruột đỏ, cây có múi, chuối cấy mô...

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao với diện tích hơn 1.500ha. Điển hình như huyện vùng cao Võ Nhai phát triển vùng trồng na ở xã La Hiên; trồng ổi, bưởi tại các xã Phú Thượng, Lâu Thượng, Tràng Xá; huyện Đại Từ phát triển vùng trồng rau an toàn, bưởi Diễn ở xã Tiên Hội, nhãn ở Quân Chu; T.X Phổ Yên phát triển vùng trồng nhãn, cam, thanh long ở xã Phúc Thuận, Minh Đức…

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa - Vườn thanh long của gia đình bà Nguyễn Thị Dím, xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên).Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa - Vườn thanh long của gia đình bà Nguyễn Thị Dím, xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên)

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa - Vườn thanh long của gia đình bà Nguyễn Thị Dím, xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên).Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa - Vườn thanh long của gia đình bà Nguyễn Thị Dím, xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên)

Một số mô hình đã ứng dụng công nghệ quản lý nước tưới bằng hệ thống tưới tiết kiệm, sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP, nhiều sản phẩm nông sản đạt chất lượng, có truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ mạnh. Tại một số vùng chuyển đổi, người nông dân đã chủ động tìm kiếm thị trường, tạo được mối liên kết từ khâu cung ứng giống, vật tư đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, sau khi bà con thực hiện chuyển đổi đã giảm áp lực sâu bệnh hại do luân canh cây trồng; đồng thời, tiết kiệm được nguồn nước tưới so với cấy lúa. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã sản xuất và xây dựng được thương hiệu cho một số giống cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cộng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần tăng giá trị sản phẩm trên 1ha đất canh tác từ 81,8 triệu đồng/ha (năm 2015) lên 100 triệu đồng/ha (năm 2019).

Ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp – PTNT) khẳng định: "Đa phần các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh đều đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, tạo nguồn nông sản hàng hóa dồi dào, đa dạng cung ứng cho thị trường. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng dựa theo lợi thế của từng địa phương".

Còn theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ tạo ra các sản phẩm hàng hóa an toàn, chất lượng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường là định hướng phát triển của ngành trong thời gian tới.

Có thể khẳng định, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, về lâu dài, để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, các ngành chức năng và chính quyền địa phương chú trọng đến khâu xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Bên cạnh đó, bà con cũng cần chủ động, linh hoạt trong việc lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và nhu cầu của thị trường.

Hoàng Công Luận