Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng NTM, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, đơn vị thực hiện thuận lợi, đảm bảo hiệu quả.
Cây chè là cây công nghiệp mũi nhọn góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng Nông thôn mới ở Thái Nguyên
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong tham gia xây dựng NTM, công tác tuyên truyền luôn được các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai, thực hiện với nhiều nội dung và hình thức phong phú.
Nội dung của Chương trình xây dựng NTM và tham gia hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tích cực, hiệu quả gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh vận động các tầng lớp nhân dân ở nông thôn tham gia thực hiện Chương trình xây dựng NTM gắn với nâng cao chất lượng các cuộc vận động của các hội, đoàn thể như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ Thái Nguyên chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Qua đó, tạo sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, nguồn lực của toàn xã hội, tinh thần tự giác, vai trò chủ thể, sự sáng tạo của người dân trong xây dựng NTM.
Kết quả thực hiện công tác tuyên truyền trong giai đoạn 2011 - 2020, toàn tỉnh đã tổ chức 20.389 hội nghị tuyên truyền cho 1.370.603 lượt cán bộ, đảng viên từ các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, cấp huyện đến xã, xóm; 497 cuộc thi tìm hiểu về xây dựng NTM; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về NTM trên Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên và trang thông tin điện tử NTM tỉnh Thái Nguyên (ntm.thainguyen.gov.vn); phối hợp với một số cơ quan truyền thông của Trung ương tuyên truyền về xây dựng NTM của Thái Nguyên; biên soạn, in, cấp phát trên 60.000 cuốn bản tin NTM, 360 pano cho 09 xã và 09 xóm xây dựng NTM kiểu mẫu, 4.500 áp phích tuyên truyền về NTM đến tất cả các xóm trên địa bàn tỉnh; xây dựng các video tư liệu, phóng sự tuyên truyền; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, trò chơi truyền hình về xây dựng NTM để cổ vũ, khích lệ cán bộ, nhân dân hiểu và tham gia tích cực hơn.
Hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã phát động phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” và được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng sâu rộng. Các sở, ban, ngành của tỉnh tích cực triển khai thực hiện phong trào thi đua thông qua việc tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động nguồn lực xã hội hóa, phát huy sáng kiến và những chính sách xây dựng NTM phù hợp với thực tiễn địa phương. Tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách trong xây dựng NTM phù hợp với tình hình thực tế như: hỗ trợ xi măng cho các địa phương xây dựng đường giao thông, kênh mương thủy lợi, hạ tầng khu sản xuất; ban hành thiết kế mẫu, thiết kế điển hình kênh mương thủy lợi, đường giao thông; đơn giản hóa trình tự, thủ tục thanh, quyết toán kinh phí thực hiện xây dựng NTM; triển khai dồn điền đổi thửa để xây dựng cánh đồng mẫu lớn; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào quá trình sản xuất giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác… Đồng thời, phát huy hiệu quả, vai trò phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư đối với xây dựng NTM; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực chất kết quả xây dựng NTM. Qua đó, giúp phát hiện những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, đơn vị; tiếp thu những kiến nghị, đề xuất và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện đồng thời phát hiện những cách làm hay, sáng tạo, những mô hình hiệu quả trong xây dựng NTM để tuyên truyền và nhân rộng.
Mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái tại xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên.
Sau 10 năm tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng NTM đã có tác động tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 101/139 xã đạt 19 tiêu chí; trong đó 88 xã được Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, 13 xã đang hoàn thiện hồ sơ trình công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019. 03/09 đơn vị cấp huyện (33,33%) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 09 xã và 13 xóm được công nhận đạt NTM kiểu mẫu. Dự ước kết quả thực hiện đến hết năm 2020, có 08 xã trở lên đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010 - 2020 toàn tỉnh lên 109 xã (vượt 09 xã so với kế hoạch); xây dựng hoàn thành 09 xã “nông thôn mới nâng cao” và “nông thôn mới kiểu mẫu”; huyện Phú Bình đạt huyện NTM, nâng tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 toàn tỉnh lên 04 đơn vị (vượt 02 đơn vị so với kế hoạch).
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM đã đề ra trong giai đoạn 2011 - 2020; phấn đấu năm 2020 tỉnh xây dựng hoàn thành 09 xã “NTM nâng cao” và “NTM kiểu mẫu”, 02 xã trở lên đạt chuẩn NTM (xã Tân Thành và xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình), không còn xã dưới 10 tiêu chí, có 25 sản phẩm trở lên được đánh giá và xếp hạng từ 3 - 4 sao theo tiêu chí OCOP. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: Tiếp tục xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trung tâm, bao trùm. Quán triệt tư tưởng “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể; phát huy vai trò phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư đối với xây dựng NTM.
Hoàng Công Luận