Thăm tặng quà mẹ Bùi Thị Chắt xóm 6, xã Hải An
Đường về nhà mẹ Bùi Thị Chắt xóm 6, xã Hải An đi qua con đường bích họa dài khoảng 1 km với những gam màu nổi bật, tươi mới, những bức tranh mang đậm đặc trưng của làng quê, tái hiện lại cuộc sống bình dị xưa và nay của mảnh đất và con người Hải An như dải lụa đào làm bừng sáng cả một xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong căn nhà nhỏ của mẹ treo nhiều tranh, ảnh các con, cháu, chắt sum họp mừng thọ Mẹ. Tận mắt gặp mẹ, nghe mẹ kể về quãng thời gian 102 tuổi đời, mới hiểu được sự mộc mạc, rắn rỏi, sống lạc quan của người mẹ nhiều mất mát đau thương: “Hạt lúa, củ khoai đã đi suốt cả cuộc đời với mẹ nuôi các con khôn lớn. Trong đó có 2 người con: Nguyễn Thanh Tề, hy sinh năm 19 tuổi; Nguyễn Tiến Sỹ, hy sinh năm 22 tuổi. Giờ các con đã về ở tại nghĩa trang liệt sĩ xã nhà. Con mẹ, đứa nào mẹ cũng thương, đứa nào mẹ cũng nhớ!”.
Thăm tặng quà mẹ Bùi Thị Hiếm xóm Chùa, xã Hải Phúc
Tạm biệt mẹ Chắt với cảm giác hân hoan về một niềm lạc quan, vui sống đáng khâm phục, chúng tôi tìm đến mẹ Bùi Thị Hiếm, thân mẫu của liệt sĩ Lã Văn Hùng đi bộ đội vào Nam chiến đấu và hy sinh đến nay vẫn chưa tìm được mộ và liệt sĩ Lã Văn Mạnh nay đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ xã nhà yên nghỉ. Ngôi nhà của mẹ Hiếm nằm khiêm nhường và lặng lẽ ở xóm Chùa, xã Hải Phúc. Vào thăm, mẹ đang nằm trên chiếc giường nhỏ, anh Lã Văn Thanh con trai mẹ cho biết: “Lạ lắm, do tuổi cao 102 tuổi, ốm yếu, mấy tháng nay mẹ lâm bệnh nặng không đi lại được, phải sinh hoạt tại chỗ, lúc tỉnh lúc mê. Nhưng cứ đến tháng 7 là mẹ tôi lại minh mẫn lạ thường”. Bước lại cầm đôi bàn tay gầy gân guốc, lạnh teo của mẹ. Cũng đôi bàn tay ấy, năm xưa đã chăm bẵm, nuôi nấng những người con từ lúc mới lọt lòng lớn khôn, lên đường bảo vệ Tổ quốc và cũng đôi bàn tay ấy tháng ngày qua vì thương nhớ con không nguôi mà ai đến thăm cũng đưa tay như tìm kiếm điều gì.
Thăm tặng quà mẹ Đỗ Thị Chích, xóm Phượng Đông 2, xã Hải Phúc
Cũng ở xã Hải Phúc, chúng tôi đến thăm mẹ Đỗ Thị Chích, xóm Phượng Đông 2 thì lại khác. Ở tuổi 90, mẹ vẫn khỏe, mẹ nói: “Tôi chỉ có một người con duy nhất là Phạm Hùng Thái, năm 1966 nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, con đi bộ đội rồi vào Nam chiến đấu, đến năm 1968 thì hy sinh để lại bố mẹ và vợ mới cưới chưa đầy một năm”. Nói đến đây mẹ xúc động nghẹn ngào. 55 năm sau ngày con trai hy sinh, mẹ vẫn nhớ và thuộc nằm lòng những dòng thư viết vội nhưng đầy nhớ thương mẹ cha và người vợ trẻ: “…Con đi, chiến thắng sẽ về! Gia đình sum họp cháu con đầy nhà…”
Thăm tặng quà mẹ Phạm Thị Giá, xóm 2, xã Hải Lộc
“Ở đây chơi, ăn cơm!”. Đó là câu nói cứ lặp đi lặp lại của mẹ Phạm Thị Giá ở xóm 2, xã Hải Lộc khi chúng tôi gặp mẹ, nghe mẹ nói, thấm những nỗi đau mất mát và những hy sinh lặng thầm của mẹ. Mẹ cũng có 2 con trai hy sinh là liệt sĩ Phạm Văn Vinh hy sinh năm 1968 và Phạm Văn Sinh hy sinh năm 1981, nhưng chỉ có anh Sinh là có ảnh thờ và đã về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ quê hương, còn anh Vinh không còn di ảnh và vẫn đang ở đâu đó, trong những cánh rừng già hay dòng sông lặng lẽ, bên những người đồng chí đồng đội mà chưa về với mẹ! Hiện mẹ ở cùng con trai là anh Phạm Văn Hiển nhưng cuộc sống của anh cũng rất khó khăn.
Thăm tặng quà mẹ Đỗ Thị Cẩn ở xóm 9, Liên Minh, xã Hải Minh
Trong căn nhà tình nghĩa được Bộ Công an xây tặng từ năm 2012, mẹ Đỗ Thị Cẩn ở xóm 9, Liên Minh, xã Hải Minh năm nay đã 93 tuổi, mắt đã mờ. Con trai mẹ, Đỗ Văn Thận hy sinh năm 1972 khi tròn 18 tuổi; Đỗ Văn Bình hy sinh khi 20 tuổi tại chiến dịch Biên giới tỉnh Lào Cai. Hiện nay, các anh đều đã về an nghỉ tại đất mẹ Hải Minh. Những tháng ngày tuổi già con cháu đi về thăm hỏi, mẹ lại nhớ các anh. Mắt đã mờ đục màu thời gian, nhưng ai đến thăm, mẹ cũng hỏi “Ai đấy?”, nghe xong câu trả lời, mẹ vẫn hỏi “Ai đấy?” như đang mong chờ một điều gì xa lắm! Tôi bất chợt nhận ra, phải chăng mẹ hỏi để nghe, để tìm tên Thận, tên Bình?...
Thăm tặng quà Ninh Thị Hon ở xóm 2, xã Hải Sơn
Về thăm mẹ Ninh Thị Hon ở xóm 2, xã Hải Sơn, có 2 con là liệt sĩ Trần Thanh Nghị, hi sinh năm 1972 và liệt sĩ Trần Quốc Toản, hi sinh năm 1975. Năm nay mẹ cũng đã 100 tuổi, tôi thấy mẹ khỏe hơn so với năm trước. Trong căn nhà nhỏ sạch sẽ và ngăn lắp, anh Trần Văn Bảo, con trai mẹ rót nước mời khách và bày tỏ niềm xúc động trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và cấp ủy chính quyền địa phương, đặc biệt các ban ngành đoàn thể, có cả các công ty, doanh nghiệp đã thường xuyên đến thăm mẹ. Đó là sự động viên tinh thần để mẹ an vui tuổi già.
Trời tháng 7 lạ lắm, ào ào mưa và gay gắt nắng để cầu vòng xuất hiện nối giữa 2 thế giới âm dương. Như lòng người cứ vần vũ, quặn đau, sụt sùi, thút thít nước mắt tuôn rơi thương nhớ, tri ân. Trời tháng 7, có những ngày u uẩn nhưng cũng có những ngày trong vắt đến tận cùng. Có phải các anh, các chị, những người con đất Việt mãi mãi tuổi 18, đôi mươi nhớ quá mà tìm về với mẹ hiền, rồi lại trở về cùng đồng đội đang nằm đâu đó bên suối, bên đồi? Tôi chợt nghĩ nếu một ngày nào đó, khi những người mẹ gặp các con ở cõi vô thường, hẳn rằng lòng thương cũng vẫn vương vấn ở chốn trần gian…
Theo Cổng Thông Tin Điện Tử Huyện Hải Hậu - Nam Định