Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ lập kỷ lục mới - Hình 1

Những container hàng hóa ở một bến cảng ở Thượng Hải, Trung Quôc - Ảnh: Reuters

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết thặng dư thương mại của nước này với Mỹ đạt 28,97 tỷ USD trong tháng 6, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được ghi nhận vào năm 1999. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong tháng đạt 42,62 tỷ USD, cũng là một mức cao.

Với tư cách là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu hàng hóa mạnh của của thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng với Mỹ và hàng rào thương mại mà Mỹ dựng lên đang phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. 

Hiện Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau, và Mỹ dọa sẽ áp thuế thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa.

"Mức thặng dư kỷ lục cho thấy kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi kinh tế Trung Quốc đang yếu đi", ông Wang Jian, chuyên gia kinh tế thuộc Shenwan Hongyuan Group ở Thượng Hải, phát biểu. "Đầu tư trong nước ở Trung Quốc đang suy giảm do nguồn vốn thắt chặt, tiêu dùng cũng không thực sự mạnh".

Tháng 6 vừa qua, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc có tháng giảm mạnh nhất kể từ năm 1994, với mức giảm hơn 3% so với đồng USD. Nhân dân tệ giảm giá có thể giúp ích cho các nhà xuất khẩu của Trung Quốc trong dài hạn, nhưng ở thời điểm hiện tại, đây là một dấu hiệu của sự lo ngại gia tăng, bởi chiến tranh thương mại xảy ra đúng lúc nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

Trung Quốc có thể sẽ buộc phải lựa chọn giữa một bên là thu hẹp chiến dịch giảm nợ và một bên là chấp nhận để tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu 6,5%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu tăng 14,1% - thấp hơn nhiều so với mức dự áo tăng 21,3%. Thặng dư thương mại của Trung Quốc tháng 6 đạt 41,61 tỷ USD.

Số liệu tăng trưởng GDP quý 2 dự kiến được Trung Quốc công bố vào ngày thứ Hai tới, sẽ giúp đưa ra một bức tranh hoàn chỉnh hơn về tình trạng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong nửa đầu năm.

Theo nhà phân tích Gai Xinzhe thuộc Bank of China Institute of International Finance ở Bắc Kinh, nhập khẩu của Trung Quốc giảm tốc trong tháng 6 là một tín hiệu đáng ngại cho nền kinh tế nước này trong nửa cuối của năm 2018, bởi nhu cầu tiêu dùng trong nước đã có nhiều dấu hiệu giảm tốc trong những tháng trước đó.

Theo Vneconomy