Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến rất phức tạp, xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 20/9/2021 đến 10 giờ ngày 18/10/2021, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 151 hộ, 48 thôn, 15 xã của 3 huyện Thiệu Hóa, Nông Cống, Triệu Sơn, buộc phải tiêu hủy 755 con lợn, trọng lượng 48.236 kg, nguy cơ dịch lây lan ra diện rộng là rất cao.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, không để dịch lây lan ra diện rộng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể khẩn trương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ cần thiết.

Lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện khẩn số 01/CĐ-BCĐDTLCP ngày 08/10/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của tỉnh về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Các cấp ủy đảng, chính quyền phải xác định công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp hiện nay; thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình dịch bệnh; quản lý chặt chẽ đàn lợn trên địa bàn đến từng trang trại, từng hộ gia đình; nhanh chóng phát hiện, cô lập, khống chế và xử lý triệt để các ổ dịch trong thời gian sớm nhất.

Bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh ở địa phương; huyện, thị xã, thành phố nào không phát hiện kịp thời dịch bệnh, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch không quyết liệt, không hiệu quả, chậm báo cáo tình hình, làm lây lan dịch bệnh, thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

Các huyện, thị, thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn theo phương châm “huyện giữ huyện”, “xã giữ xã”, “thôn giữ thôn”, “trang trại giữ trang trại”, “hộ giữ hộ”; khẩn trương chỉ đạo xây dựng, triển khai các phương án, kịch bản phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Tổ chức rà soát, nắm chắc số lượng các tổ chức, hộ chăn nuôi lợn đến tận thôn, bản, để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi; yêu cầu các tổ chức, hộ chăn nuôi khi có lợn ốm, chết bất thường phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan thú y để lấy mẫu, xét nghiệm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Tổ chức tốt công tác kiểm dịch vận chuyển lợn, kiểm soát giết mổ, mua bán thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn theo quy định; nếu cần thiết thì lập các chốt kiểm dịch để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn ra vào địa bàn.

Đối với các huyện đã phát hiện dịch như Thiệu Hóa, Nông Cống, Triệu Sơn, cần tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp để sớm khống chế và xử lý dứt điểm các ổ dịch, kiên quyết không để lây lan ra diện rộng và tái phát dịch; thường xuyên theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn nuôi có triệu chứng lâm sàng của bệnh. Nếu phát hiện dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi, phải khẩn trương tổ chức khoanh vùng ổ dịch, thực hiện cách ly, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, đường làng, ngõ xóm, cơ sở giết mổ, chợ thực phẩm, hố chôn tiêu hủy lợn… để diệt triệt để mầm bệnh.

Tăng cường hoạt động của các chốt kiểm soát dịch bệnh để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn.

Đồng thời, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện quy trình, quy định về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhất là công tác giám sát dịch bệnh, tiêu hủy lợn bệnh, vệ sinh tiêu độc, khử trùng, biện pháp xử lý ổ dịch...

Các cơ quan chức năng ăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương có dịch; tham mưu UBND tỉnh xem xét thành lập các trạm, chốt kiểm dịch động vật liên ngành cấp tỉnh trên các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh, các khu vực có nguy cơ cao dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh; hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc thành lập các chốt kiểm dịch động vật do cấp huyện, cấp xã thành lập, bảo đảm thống nhất, tránh trùng lặp, ảnh hưởng đến việc lưu thông, tiêu thụ lợn; phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí, chuẩn bị đầy đủ số lượng vật tư, hóa chất, thiết bị, phương tiện... phục vụ công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và các bệnh lây lan từ động vật sang người, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương được giao phụ trách, chỉ đạo...

 Hoài Thu