Cụ thể, tại huyện Quảng Xương, trong vòng 12 ngày từ ngày 02/05/2019 đến ngày 14/05/2019, trên địa bàn đã có 12 xã công bố dịch tả lợn Châu Phi. Với diễn biến bệnh hết sức phức tạp, việc khống chế và dập tắt dịch đang gặp nhiều khó khăn. Cho đến thời điểm hiện tại, huyện đã tiêu hủy tổng cộng 800 con lợn với 56.241kg giá trị thiệt hại về kinh tế lên đến 3.396.555.000 đồng.

Đánh giá về những khó khăn trong công tác phòng chống dịch Ông Nguyễn Duy Bách, Phó phòng Nông nghiệp huyện Quảng Xương cho biết: Ban đầu, dịch lợn bắt đầu từ xã Quảng Thạch vào ngày 02/05, sau đó lan rộng ra các xã khác. Một phần vì Quảng Xương là một huyện đặc biệt với rất nhiều tuyến đường lớn, quốc lộ chạy qua, mật độ giao thông lớn nên để kiểm soát đươc dịch bệnh cũng là thách thức. Mặt khác, ở các xã như Quảng Trung, Quảng Chính, Quảng Khê, Quảng Lĩnh, Quảng Trường là những xã có diện tích trồng thuốc Lào lớn. Bà con lại sử dụng nguồn phân bón chủ yếu từ phân lợn cũng là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh ở các xã này. Cùng với đó là trên địa bàn huyện, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn đến 60% nên hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật khó kiểm soát.

 Thanh Hóa: Dịch lợn tả Châu Phi có dấu hiệu bùng phát trở lại - Hình 1

Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống Dịch lợn tả Châu Phi

Còn tại địa bàn thành phố Thanh Hóa, ngày 13/05/2019 UBND thành phố cũng đã ra công văn số 4164/QĐ-UBND công bố dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Quảng Cát. Ổ dịch xuất hiện tại 1 hộ dân thuộc thôn 9, có 5 con lợn nái và 60 con lợn con bị lây bệnh.

 Để ngăn chặn sự lây lan, nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch, giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi: UBND thành phố giao xã Quảng Cát khẩn trương thực hiện thành lập 01 chốt kiểm dịch của xã và 01 chốt kiểm dịch của Thành phố hoạt động 24/24. Hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và tiến hành tiêu hủy số lợn bị dịch theo đúng quy định trước 8h00’ ngày 14/05/2019.

Song song với đó là tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, các đầu mối trung chuyển cơ sở giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Còn tại địa bàn huyện Nông Cống cũng đã xuất hiện dịch  tả lợn Châu Phi tại xã Tế Nông. Theo kết quả được công bố ngày 12/5, mẫu xét nghiệm bệnh phẩm đàn lợn của một hộ dân đã dương tính với bệnh tả lợn châu Phi. Ngày 13/5, UBND xã Tế Nông và cơ quan chức năng của huyện Nông Cống đã tiến hành tiêu hủy 8 con lợn của hộ gia đình này.

Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan đang tập trung phòng chống bệnh dịch. Trong đó, chú trọng khoanh vùng để dập ngay khi phát hiện ổ bệnh, tránh để lây lan ra diện rộng; tuyên truyền để người dân nắm rõ về tình hình bệnh dịch, chủ động khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi.

Vận động người dân khi thấy lợn có biểu hiện ốm, chết phải báo ngay cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định; tuyệt đối không giấu dịch, tham gia buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn nhiễm bệnh.

Hoài Thu