Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với số tiền 340 tỷ đồng.
Cùng với đó, các ngân hàng đã triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 3.129 khách hàng với giá trị nợ được cơ cấu 4.376 tỷ đồng; giá trị nợ được miễn, giảm lãi vay 92.646 tỷ đồng cho 284.227 khách hàng với số tiền lãi miễn cho khách hàng gần 315 tỷ đồng (mức lãi suất giảm từ 0,5 đến 2,5%/năm); 8.246 khách hàng vay mới với doanh số cho vay 113.053 tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi.
Việc cơ cấu nợ và hưởng ưu đãi lãi suất đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến hết tháng 6-2023, toàn tỉnh có hơn 5.800 doanh nghiệp có quan hệ với ngân hàng, với dư nợ 48.510 tỷ đồng, chiếm 26,8% tổng dư nợ.
Cùng với việc thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, từ đầu năm 2023 các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khóa XVIII về chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2026 cũng đã tích cực vào cuộc.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, ngay sau khi Kế hoạch số 23/KH-UBND, ngày 10/2/2023 của UBND tỉnh về thực hiện chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa năm 2023 ban hành, sở đã triển khai việc lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định hiện hành của pháp luật; phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát các lớp bồi dưỡng.
Đến nay, các đơn vị được giao đã tổ chức hơn 60 khóa đào tạo, tập huấn khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng kiến thức quản trị doanh nghiệp cho gần 4.000 lượt học viên. Các khóa đào tạo được tổ chức theo hình thức tập trung với những chuyên đề về kiến thức, kỹ năng cần thiết để thành lập doanh nghiệp; những vấn đề cơ bản về quản trị doanh nghiệp, thị trường, maketing, xây dựng thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp; cách đàm phán ký kết hợp đồng với khách hàng...
Đối tượng được đào tạo là chủ doanh nghiệp, lãnh đạo quản lý, người lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các HTX, hộ kinh doanh và các cá nhân có nhu cầu khởi sự doanh nghiệp.
Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cũng đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ triển khai chính sách được phân công. Đơn vị đã thực hiện hỗ trợ miễn phí chữ ký số trong năm đầu hoạt động cho 54 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; hỗ trợ miễn phí chuyển phát kết quả thực hiện thủ tục hành chính cho 40 doanh nghiệp; cung cấp miễn phí cẩm nang hướng dẫn về trình tự thủ tục đăng ký doanh nghiệp, quy trình thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023 cho 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đã tổ chức 28 lớp tập huấn cho 2.700 học viên về sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản; tổ chức 2 hội nghị giải đáp những khó khăn, vướng mắc cho hơn 100 doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu; tổ chức 30 phiên giao dịch việc làm với 261 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 14.670 người lao động tham gia, qua đó kết nối việc làm thành công cho 1.436 lao động.
Các hoạt động này đã góp phần tạo việc làm, đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động theo đúng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực, kiến thức quản trị, điều hành doanh nghiệp của đội ngũ doanh nhân; tạo phong trào khởi nghiệp trong các tầng lớp Nhân dân.
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Thanh Hóa, theo kế hoạch đã ban hành, năm 2023 sẽ có tối đa 10 doanh nghiệp được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu khi tiếp cận thị trường xuất khẩu mới, với tổng nguồn kinh phí hỗ trợ 2,5 tỷ đồng.
Hoài Thu