Em Nguyễn Văn Duy, ở xã Lộc Sơn (Hậu Lộc), cho biết: Đợt thi tốt nghiệp THPT vừa qua em không đăng ký nguyện vọng lên hệ thống bởi phần vì năng lực, phần vì kinh tế gia đình. Hơn nữa, khi còn ngồi trên ghế nhà trường em cùng các bạn được thầy, cô tư vấn, hướng nghiệp nên đã nung nấu ý định đi XKLĐ từ lâu. Vì vậy, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT em đã đăng ký học tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa.
Duy cho biết thêm: “Học tiếp lên đại học hoặc cao đẳng rất tốn tiền mà ra trường chưa chắc đã xin được việc làm. Em thấy đi XKLĐ cũng tốt, vừa có tiền giúp đỡ gia đình, vừa có chút vốn liếng, khi về nước sẽ thích ứng với thế giới nghề nghiệp”.
Cũng chọn XKLĐ thay vì tiếp tục học lên đại học, một phần vì muốn nhanh có thu nhập để giúp đỡ gia đình, phần vì muốn học hỏi thêm kỹ năng và khám phá nền văn hóa khác nên em Hoàng Văn Điệp, ở thị xã Bỉm Sơn đã theo học tiếng Hàn ngay sau khi tốt nghiệp THPT.
“Làm việc ở Hàn Quốc sẽ cho thu nhập cao, chứ ở nhà em thấy nhiều doanh nghiệp đang cắt giảm lao động, ngừng việc, học nghề xong chưa chắc đã tìm được việc làm”, Điệp bộc bạch.
Với em Trương Thị Hải, người dân tộc Mường ở xã Điền Lư (Bá Thước) cũng chọn thị trường Hàn Quốc làm điểm đến thay vì học lên đại học, cao đẳng.
Bà Hà Thị Thao, mẹ của Hải cho biết: “Khi con chia sẻ ý định đi XKLĐ và bảo mẹ vay mượn tiền chi phí cho việc học, thi và tiền vé máy bay, tôi đã phân tích kỹ lưỡng. Khuyên cháu đi học nghề, làm việc trong tỉnh cho gần nhà, ở nước ngoài nhỡ có khó khăn, vất vả muốn về nhà cũng khó, bố mẹ cũng không thể giúp được... Thế nhưng nó vẫn quyết tâm đi, chúng tôi đành chấp nhận. Sang Hàn Quốc chưa được 2 tháng, điện thoại về khoe đã nhận tháng lương đầu tiên 30 triệu đồng. Nó nói bên Hàn Quốc họ đối xử tốt với người lao động ngoài nước nên tôi cũng thấy yên tâm".
Tại Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh đang có 200 người học tiếng Hàn để tham gia XKLĐ thị trường Hàn Quốc thì có gần 20 em vừa tốt nghiệp bậc THPT. Còn tại Công ty CP Nhân lực Tadashi Thanh Hóa, đơn vi chuyên tư vấn, tuyển sinh và đào tạo đưa lao động sang Nhật Bản học tập, làm việc, mỗi năm số bạn trẻ độ tuổi 18 - 22 đăng ký đi thực tập sinh, làm việc thị trường Nhật Bản chiếm tỷ lệ 90%.
Chị Lê Thúy Hằng, Giám đốc công ty cho biết: Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ muốn phát triển bản thân trong môi trường quốc tế nên đã lựa chọn đi thực tập sinh ở Nhật Bản hoặc XKLĐ. Thực tế, có nhiều bạn thành công trong sự nghiệp mà không bước qua cánh cổng trường đại học. So sánh thời gian 4 - 5 năm học đại học với chi phí khoảng 200 - 300 triệu đồng nhưng chưa biết kết quả như thế nào?. Có ra trường được không, ra trường rồi có việc làm phù hợp hay không, thu nhập có cao không...
Đó là những câu hỏi mà các bạn trẻ chưa thể trả lời ngay được. Trong khi chi phí trọn gói đi XKLĐ Nhật Bản chỉ từ 85 - 100 triệu đồng, với hợp đồng lao động 3 năm. Khi hết thời hạn làm việc các bạn sẽ có một khoản tiền lớn để bước vào đời. Hơn nữa lại có kinh nghiệm, tay nghề, vốn kiến thức nghề, khi về nước có cơ hội việc làm rộng mở.
Qua khảo sát sở thích nghề nghiệp của học sinh, có khoảng 30% em khối 12 THPT không có ý định thi vào đại học, cao đẳng, muốn đi làm ngay sau khi tốt nghiệp. Theo anh Lê Đình Vương, phụ trách phòng đào tạo - tư vấn XKLĐ, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, ngày nay, học sinh bậc THPT được tiếp cận nhiều nguồn thông tin (sự định hướng của gia đình, bạn bè, phân luồng học sinh, thông tin về thị trường lao động...).
XKLĐ, du học hoặc vừa học vừa làm là một kênh để các em trải nghiệm rèn kỹ năng, phẩm chất, trải nghiệm văn hóa mới, quản lý bản thân trong môi trường quốc tế. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thành công khi không theo học đại học.
Điều quan trọng là các em phải xác định mục tiêu, sở trường và khả năng của bản thân để lựa chọn phù hợp.
PV(T/h)