Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chức năng cấp tỉnh cùng đông đảo các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên Trường ĐH Hồng Đức.
Theo PGS. TS Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức, hội thảo khoa học lần này nhằm mục đích tham vấn ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học về Dự thảo Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Dự thảo đề án được Trường ĐH Hồng Đức xây dựng trên tinh thần chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa theo Kết luận số 2709-KL/TU ngày 5/4/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý I; nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2024 cũng như Công văn số 5853/UBND-THKH ngày 26/4/2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tập trung triển khai thực hiện Kết luận số 2709-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Tại hội thảo, sau khi nghe PGS. TS Đậu Bá Thìn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức báo cáo khái quát dự thảo đề án, các đại biểu đã tập trung thảo luận sự cần thiết xây dựng Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn.
Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo đề án, trong đó nhấn mạnh đến mục tiêu cụ thể mà đề án đề ra; vấn đề lựa chọn mở ngành đào tạo lĩnh vực công nghiệp bán dẫn; việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn; lộ trình đào tạo... Đồng thời nêu rõ: Ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò hết sức quan trọng và là nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi thông minh.
Trong bối cảnh hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn đang có xu hướng đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi liên kết, cung ứng sản xuất và nghiên cứu sang một số quốc gia mới, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội, cũng là thách thức đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhất là nguồn nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn.
Do đó, việc xây dựng và thực thi Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
An Nhiên