Dạo quanh các con đường, tuyến phố trên địa bàn TP. Thanh Hóa, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh chen chúc của người dân khi dừng xe ngay tại lòng đường để mua, bán.
Ghi nhận của chúng tôi tại chợ Đông Thọ, vào khoảng 10 đến 11 giờ trưa và 17 giờ chiều ngày 30/7, trái ngược hoàn toàn không khí trong chợ, việc mua bán ở chợ tạm, nằm ngay phía trước cổng chợ luôn tấp nập kẻ bán, người mua. Hầu hết các mặt hàng có trong chợ chính, cũng được bày bán trên vỉa hè, lề đường, nhà ở của các hộ dân và mọi khoảng trống được tận dụng triệt để.
Chị Nguyễn Thị Hương, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Đông Thọ, cho biết: “Tất cả các chủ hộ kinh doanh trong chợ như chúng tôi đều phải đóng thuế đầy đủ, nhưng chỉ bán được buổi sáng, nửa buổi còn lại hầu như rất ít khách mua hàng. Còn chợ tạm, chợ cóc không phải mất thuế, lại bán rất chạy. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ tới việc kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương. Chúng tôi mong muốn, chính quyền địa phương cần mạnh tay xử lý để đảm bảo quyền lợi cho các tiểu thương”.
Đi dọc tuyến Quốc lộ 47, đoạn qua Khu công nghiệp Lễ Môn (TP. Thanh Hóa) vào khoảng từ 17 giờ đến 19 giờ (giờ tan ca của công nhân), chúng ta cũng không khó bắt gặp những chiếc xe đạp, xe đẩy bán hàng rong và các hàng quán được bày bán ngay trên vỉa hè, lòng, lề đường, nhất là tại các ngã ba, ngã tư và trước cổng công ty.
Vào thời điểm tan tầm, hàng nghìn công nhân từ các công ty đồng loạt tan ca và hoạt động mua, bán được diễn ra ngay tại cổng và một phần vỉa hè, lòng đường, nên đoạn đường này thường xảy ra ách tắc giao thông...
Chị Nguyễn Thị Trúc, công nhân ở Khu Công nghiệp Lê Môn, cho biết: “Mua hàng ở các điểm bán như thế này, giá thành rẻ hơn so với vào các chợ, siêu thị và phù hợp với thu nhập của chúng tôi, thuận tiện cho việc đi lại”.
Tương tự, tại nhiều tuyến đường, tỉnh lộ, quốc lộ, dù các phương tiện có trọng tải lớn như xe container, xe tải, xe khách chạy ngày đêm, nhưng người dân vẫn thản nhiên họp chợ; thậm chí thực hiện mua bán hàng hóa ngay dưới lòng đường. Trên tuyến Quốc lộ 45, đoạn qua xã Đông Thanh (Đông Sơn) vào các buổi sáng trong tuần, tại khu vực phía cổng chợ Bôn, nhiều người dân vẫn bày bán hàng hóa, họp chợ ngay trên đường giao thông.
Điều đáng nói, đoạn đường này cong, góc cua hẹp, các phương tiện cơ giới lưu thông đông nên việc họp chợ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao... Hay như, khu vực chợ Mới thuộc phường Trung Sơn (TP. Sầm Sơn) mặc dù đã có chợ được quy hoạch khang trang, nhưng người dân vẫn có thói quen họp chợ, bán hàng ngay trên đường giao thông. Vào giờ cao điểm, nơi đây luôn xảy ra tình trạng ùn ứ và mất an toàn giao thông.
Theo ý kiến của một số cơ quan quản lý, việc hình thành chợ cóc, chợ tạm ngoài một vài thuận tiện trước mắt cho một bộ phận người mua, bán hàng thì chợ tự phát gây ra không ít phiền toái, hệ lụy mà trước hết là vấn đề an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Tuy nhiên, khi đề cập đến việc dẹp bỏ chợ tự phát, hầu như các cấp chính quyền, địa phương đều kêu khó vì người bán hàng ở đây luôn tìm mọi cách để tiếp tục kinh doanh, đuổi bên này thì chạy sang bên kia, đuổi hôm nay thì mai lại họp tiếp. Hoặc không ngồi một chỗ mà dùng xe thồ, xe đẩy bán hàng. Mỗi khi có lực lượng chức năng kiểm tra, những người bán hàng rong tản mát, rồi nhanh chóng tụ lại buôn bán tiếp khi các lực lượng chức năng đi qua...
Một điều dễ nhận thấy đó là hàng hóa ở chợ tự phát bao giờ cũng rẻ hơn trong các chợ chính thống, vì không phải chịu bất cứ chi phí nào như tiền thuế, tiền thuê sạp và các loại phí khác. Vị trí bán hàng thì tiện lợi, người mua không cần phải vào chợ, không phải mất thời gian gửi xe. Hơn nữa, người bán ở chợ tự phát thường di chuyển địa điểm, chỉ nhóm họp vào thời điểm thích hợp có nhiều người mua nên hoạt động của chợ sôi nổi.
Có thể nói, hoạt động của chợ tự phát đã giải quyết được nhu cầu mua sắm nhanh những nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hằng ngày của người dân. Cho dù, hàng hóa không có nguồn gốc, chất lượng không bảo đảm, nhưng không ít người vẫn thích ghé mua hàng ở chợ tự phát vì sự thuận tiện và giá rẻ. Thế nên, việc chợ tự phát vẫn tồn tại và phát triển, bất chấp việc không được phép hoạt động và bị đuổi, dẹp gắt gao không phải là điều khó hiểu.
Theo tìm hiểu, có nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng chợ cóc, chợ tạm cứ tồn tại dai dẳng từ năm này qua năm khác. Đó là nhiều nơi, chính quyền địa phương chưa tích cực tuyên truyền, nhắc nhở người dân cũng như tiến hành giải tỏa và duy trì sau giải tỏa.
Hệ thống chợ còn thiếu, hoặc bố trí chưa phù hợp. Tiền thuê ki ốt, mức thuế cao khi kinh doanh trong chợ, cũng khiến nhiều hộ kinh doanh ngần ngại. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tâm lý mua sắm của người tiêu dùng, muốn mua hàng tại chợ cóc, chợ tạm với giá rẻ và thuận tiện.
Để xử lý dứt điểm chợ cóc, chợ tạm một cách hiệu quả, các cấp chính quyền địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong giải tỏa các tụ điểm này; đồng thời, nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống sao cho thuận tiện mua sắm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm bớt các loại thuế phí để hỗ trợ tiểu thương, tăng sức cạnh tranh với hàng rong, chợ cóc.
Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện văn minh thương mại để giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.
PV (T/h)