Theo đó, đầu năm 2019, trước khi xảy ra Dịch tả lợn châu Phi, Thanh Hóa có hơn 1,2 triệu con lợn. Khi dịch bệnh được kiểm soát vào đầu năm 2020, tổng đàn giảm còn hơn 955,4 nghìn con, chiếm 80% tổng đàn trước dịch. Đến thời điểm hiện tại, đàn lợn đã tăng lên gần 1,15 triệu con sau hơn 3 tháng đẩy mạnh tái đàn, bằng 96% trước khi dịch bệnh xảy ra.

Đối với công tác tái đàn lợn sau dịch, ngay từ khi đang có Dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Thanh Hóa đã đặc biệt quan tâm để giữ bằng được đàn lợn trong hệ thống trang trại, đàn lợn giống. Tỉnh này cũng đã có cơ chế hỗ trợ giữ an tòan dịch bệnh và duy trì bằng được đàn lợn ông bà... để sau khi kết thúc dịch bệnh, sẽ có điều kiện khôi phục đàn lợn một cách nhanh nhất. Do đó, công tác tái và khôi phục đàn lợn của tỉnh đã có nhiều thuận lợi, triển khai nhanh và hiệu quả. Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện công tác tái đàn.

Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tái đàn lợn, trong đó có khuyến khích đầu tư sản xuất con giống; kêu gọi các doanh nghiệp liên kết để sản xuất gắn với tiêu thụ lợn thương phẩm; hướng dẫn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung; thực hiện các chính sách hỗ trợ chăn nuôi và tái đàn…

Thanh Hóa: Công tác tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn có chiều hướng khả quanTỉnh Thanh Hóa chú trọng công tác tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn 

Xác định chăn nuôi là 1 trong 4 lĩnh vực có dự địa phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh nên chính quyền tỉnh Thanh Hóa luôn có sự quan tâm đặc biệt. Khi có thông tin dịch, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc, tổ chức khoanh vùng, dập dịch. Do vậy, trong khi nhiều tỉnh trong cả nước có tổng đàn bị giảm tới 50 đến 70%, nhưng Thanh Hóa vẫn duy trì ở 900 nghìn đến hơn 1 triệu con lợn trong cao điểm dịch bệnh. Kinh nghiệm của tỉnh là phải chỉ đạo quyết liệt trong phòng chống dịch, có những chính sách hỗ trợ kịp thời.

Hiện nay, công tác tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn của tỉnh Thanh Hóa đang triển khai được đánh giá là khá hiệu quả. Sắp tới, tỉnh này có hướng giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, phát triển trang trại. Các gia trại nuôi lợn thịt được khuyến khích nuôi một số ít lợn nái để chủ động con giống, hạn chế nhập và phụ thuộc bên ngoài – đó chính là cách hạn chế dịch bệnh. Đồng thời, đang tập trung, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

 Hoài Thu