Thương hiệu Gạo nếp Cay Nọi đạt chứng nhận OCOP
Thương hiệu Gạo nếp Cay Nọi đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa

Tỉnh Thanh Hoá hiện có hàng trăm sản phẩm OCOP thuộc nhiều nhóm hàng khác nhau, trong đó tập trung nhiều nhất là các mặt hàng thực phẩm, thảo dược, thủ công mỹ nghệ... Đây là những hàng hóa vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, vừa có thể làm quà tặng cho khách du lịch. 

Hiệu quả từ thực hiện chương trình OCOP ở nhiều địa phương thời gian qua được đánh giá là khá rõ nét, tạo ra “làn gió” mới trong sản xuất và phát triển nông nghiệp nói chung. Trong đó, khâu mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu được chú trọng, đem lại doanh thu cao cho nhiều sản phẩm. Mỗi địa phương có cách làm khác nhau phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất và phù hợp nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP.

Để nâng cao tính thị trường cho các sản phẩm OCOP, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã lồng ghép, cân nhắc đối với nguồn kinh phí để hỗ trợ các chủ thể đầu tư máy móc, công nghệ, đổi mới mẫu mã bao bì, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng... nhằm phát triển sản phẩm OCOP có tính cạnh tranh cao.

Cùng với đó, bên cạnh việc trưng bày, bán sản phẩm OCOP tại 22 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP và những sản phẩm tiềm năng, hằng năm, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hội chợ, các cuộc xúc tiến thương mại để giúp các chủ thể giao dịch, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng và thị trường...

jj
Thương hiệu gạo Sao Khuê đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng

Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 559 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng, phấn đấu bình quân mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Thực tế cho thấy, số lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh được công nhận đã gia tăng theo từng năm; tính hoàn thiện từ chất lượng, mẫu mã, giá cả đều đã được các chủ thể sản xuất cải tiến tích cực. Trong khi đó, hệ thống bán lẻ hiện đại của tỉnh đang phát triển vô cùng sôi động với 2 trung tâm thương mại, 27 siêu thị và gần 150 cửa hàng tiện lợi, được người tiêu dùng ưa chuộng mỗi khi đi mua sắm.

Đây là cơ hội lớn để các sản phẩm OCOP của tỉnh “bứt phá”, không chỉ giúp doanh nghiệp, HTX mở rộng đầu ra, chủ động được kế hoạch sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần nâng cao vị thế cho sản phẩm OCOP của mình nói riêng và của tỉnh Thanh Hóa nói chung.

b
Các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa được trưng bày tại hội trường 25B, TP. Thanh Hóa

Hiện các ngành chức năng của tỉnh cũng đang tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ liên kết sản xuất, đưa nông sản vào kênh tiêu thụ hiện đại. Ngành công thương sẽ rà soát, hỗ trợ một số siêu thị trên địa bàn tỉnh xây dựng “điểm bán hàng Việt”, chú trọng kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP vào các kênh bán lẻ hiện đại...

Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa đang nghiên cứu xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách mới về chương trình OCOP gồm: Tư vấn hướng dẫn quy trình sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm; tư vấn tem nhãn, bao bì sản phẩm. Các địa phương cũng cân đối, bố trí ngân sách đảm bảo để thực hiện hiệu quả các nội dung Chương trình OCOP kết hợp với huy động hiệu quả nguồn lực từ cộng đồng.

Hoài Thu