Thanh Hóa: Đẩy mạnh phát triển cây sắn nguyên liệu theo hướng bền vững
Tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển cây sắn nguyên liệu theo hướng bền vững

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, niên vụ 2023-2024 toàn tỉnh có hơn 11.000 ha sắn nguyên liệu. Để phát triển cây sắn nguyên liệu theo hướng bền vững, tỉnh đang thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người trồng sắn đầu tư thâm canh tăng năng suất và duy trì, phát triển tốt việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất sắn nguyên liệu cho người dân và khuyến khích sự chủ động của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh sắn.

Đối với khu vực trung du và miền núi Thanh Hóa được xác định có khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ sản xuất của người dân phù hợp để phát triển cây sắn. Do đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung khuyến khích, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích sắn làm nguyên liệu chế biến.

Hằng năm, toàn tỉnh phát triển được từ 13.000 - 15.000 ha sắn, với tổng sản lượng khoảng 200.000 tấn làm nguyên liệu phục vụ 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh.

Hướng tới phát triển bền vững diện tích sắn nguyên liệu, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến, thời gian qua đã có một số nhà máy chế biến tinh bột sắn chủ động đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, như: Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) đã đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân các huyện: Ngọc Lặc, Thường Xuân, Thọ Xuân; Công ty TNHH Chế biến nông - lâm sản xuất khẩu Như Xuân đầu tư ứng trước vật tư, phân bón, công chăm sóc, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân; đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sắn tươi theo hướng điều chỉnh giá thị trường, hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp...

Lê Nam