Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo đó, thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa thực hiện thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại toàn diện và phát triển thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh cao, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả. Hiện, trên địa bàn tỉnh này đã có 70% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong giao dịch và trao đổi thông tin; 50% doanh nghiệp có website riêng, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm; 35% doanh nghiệp tham gia website, thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; 10% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý và kinh doanh.

Thương mại điện tử đã trở thành phương tiện hiệu quả hỗ trợ người tiêu dùng tham gia hoạt động thương mại. Thống kê của cơ quan chuyên môn cho thấy, 70% siêu thị, trung tâm mua sắm và các cơ sở phân phối hiện đại trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ điện tử; 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử; 20% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ - thương mại, như: Vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch đã phát triển kênh giao dịch điện tử và một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sử dụng hình thức không dùng tiền mặt, thanh toán tiền mua xăng dầu qua thẻ Flexicard.

Hoạt động thanh toán tiền điện, điện thoại, internet, nước sạch, bảo hiểm... cũng được nhiều doanh nghiệp thanh toán trực tuyến, qua thẻ, giảm thời gian cho người dân. Hóa đơn điện tử được các doanh nghiệp ứng dụng, tạo thuận lợi cho khách hàng, giảm thời gian và chi phí cho đôi bên...

Theo đánh giá của Sở Công Thương Thanh Hóa, hoạt động  thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh diễn ra hiệu quả song vẫn đang còn những tồn tại. Bên cạnh đó, hiện nay, vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... được công khai mua bán trên các nền tảng mạng xã hội, như facebook, zalo hay trên các website, các sàn giao dịch  thương mại điện tử; đây cũng là các kênh phân phối nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn, chứng từ, hàng hóa giả mạo các thương hiệu nổi tiếng.

Nhiều địa chỉ bán hàng online khai báo thông tin, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác về nhân thân và địa chỉ, thường xuyên thay đổi địa điểm, không theo trình tự thời gian cụ thể nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường .

Do đó, ngành công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch 210/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. 

Trong đó, chú trọng đến vấn đề nâng cao thương mại điện tử, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử, hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và được bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi giao dịch thông qua thương mại điện tử.

Hoài Thu