Theo đó, bộ tiêu chí, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP với nhiều tiêu chuẩn khá khắt khe được xem là thử thách lớn đối với hộ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Vì vậy, để khuyến khích, hỗ trợ cho các hộ sản xuất tự tin tham gia, phát triển sản phẩm OCOP, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang tích cực hỗ trợ hộ sản xuất hoàn thiện những thủ tục cần thiết, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để được xếp hạng, công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Cụ thể, với những hỗ trợ thiết thực và sự nỗ lực của các chủ thể, tỉnh Thanh Hóa đã có 76 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 14 sản phẩm của hộ sản xuất, các sản phẩm này đều xếp hạng 3 sao. Tiêu biểu có hộ sản xuất, kinh doanh Phạm Văn Tuấn (Nga Sơn) có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hộ sản xuất Bùi Thị Huy (thị xã Nghi Sơn) có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh... Hầu hết các sản phẩm của các hộ sản xuất sau khi được “gắn sao” OCOP đều có thị trường tiêu thụ ổn định, doanh thu tăng từ 1,5 đến 2,5 lần so với khi chưa được công nhận.
Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thanh Hóa, cho biết: So với các chủ thể khác là tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp, thì hộ sản xuất ít có khả năng cạnh tranh hơn trong chương trình OCOP. Các hộ sản xuất thường chỉ quan tâm tới số lượng mà ít để ý tới chất lượng sản phẩm hoặc nếu có chú trọng thì cũng khó có khả năng minh chứng.
Ngoài ra, trong hồ sơ khảo sát về sản phẩm OCOP, ngoài những điều kiện cơ bản bắt thuộc thì có những tiêu chí bổ sung. Tuy đây là những tiêu chí “ăn điểm”, giúp sản phẩm có thể nâng hạng sao thì hầu hết các hộ sản xuất đều thiếu nên khó chạy đua được với những chủ thể khác, khó tiếp cận hơn với nguồn vốn hỗ trợ. Song, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, trong đó, hộ sản xuất là hạt nhân của kinh tế nông thôn.
Do đó, tỉnh Thanh Hóa luôn khuyến khích và đồng hành để các hộ sản xuất tham gia chương trình. Bên cạnh trang bị cho hộ sản xuất những kiến thức nền về OCOP, các cấp, các ngành cần tích cực hướng dẫn thực hiện thủ tục cần thiết để hoàn thiện hồ sơ OCOP.
Đồng thời, tạo cơ chế để các hộ sản xuất có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm các tiêu chí, tự tin đồng hành cùng chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa.
Hoài Thu