các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Thiệu Hóa
Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 148/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP, có bổ sung một số tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP. Theo đó, mỗi sản phẩm OCOP cần đề cao và gắn liền với các giá trị văn hóa, truyền thống của địa phương. Song, vẫn có điểm nhấn, sự khác biệt so với các sản phẩm đồng dạng khác.

Tại Thanh Hóa, trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP, các địa phương và chủ thể cũng chú trọng xây dựng nhóm sản phẩm có nguồn gốc truyền thống, mang đặc trưng, đại diện cho đời sống sản xuất sinh hoạt của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Trong đó, các sản phẩm thịt gác bếp, khâu nhục, măng khô, bò khô... là những sản phẩm độc đáo, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Hiện, toàn tỉnh đã phát triển được 317 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, thuộc 4 nhóm ngành là thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, thảo dược. Trong đó, có nhiều sản phẩm xuất phát từ những làng nghề, nghề truyền thống, bắt nguồn, chứa đựng những nét văn hóa truyền thống gắn với sinh hoạt của người dân.

Ngoài ra, đến hết tháng 5/2023, có 5 huyện gồm Thạch Thành, Đông Sơn, Quảng Xương, Lang Chánh, Thiệu Hóa tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, với hàng chục sản phẩm đang được hoàn thiện thủ tục công nhận. Với mỗi sản phẩm mới, chủ thể đã thể hiện được truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa của sản phẩm trong suốt chiều dài thời gian. Những tác động của sản phẩm đến cộng đồng không chỉ dừng lại ở sự hữu hình như tạo việc làm, nâng cao thu nhập... mà còn là sự chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường.

Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, cho biết:

Theo Quyết định 148/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tiêu chí mới nhấn mạnh đến yếu tố câu chuyện về sản phẩm OCOP. Câu chuyện có thể từ của một làng, một xã và thể hiện được nét văn hóa trong sản phẩm. Sản phẩm OCOP cần gắn với nét đẹp truyền thống, văn hóa, sự đoàn kết của làng xã. Đây là giá trị cốt lõi, giá trị nhân văn trong sản phẩm OCOP. Do đó, để sản phẩm OCOP thực sự trở thành “sứ giả” của địa phương thì chính quyền, chủ thể cần xây dựng được câu chuyện sản phẩm tốt.

An Dương