Trong đó, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó khoảng 3% sản phẩm được công nhận đạt 5 sao; Phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh; Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại; phấn đấu có 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; Xây dựng, nhân rộng các điểm/trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP trên địa bàn các huyện, thành phố; phấn đầu mức tăng trưởng doanh thu của sản phẩm OCOP theo các chuỗi phân phối đạt từ 5-10%/năm.
Đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh Ninh Bình xây dựng 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp bao gồm:
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sản phẩm OCOP, Chương trình OCOP; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Xây dựng pano, áp phích, khẩu hiệu về Chương trình OCOP tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP. Quy hoạch gắn với bảo tồn, phát triển các vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa sản xuất của người dân, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; Tổ chức sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn thực phẩm gắn với phát triển chế biến, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng, an toàn và thân thiện mới môi trường; Xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm, nông nghiệp sinh thái gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo vùng, miền.
Phát triển sản phẩm OCOP theo các nhóm sản phẩm quy định tại Quyết định số 919/QĐ-TTg và Phụ lục I, Quyết định số 148/QĐ-TTg; ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ gắn với làng nghề, du lịch nông thôn và lợi thế tiềm năng của tỉnh. Tăng cường rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống đảm bảo bám sát quy định tiêu chí, chỉ tiêu và mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Tập trung hỗ trợ, rà soát, hướng dẫn các chủ thể chủ động chuẩn hóa sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện các chính sách của tỉnh nhằm hỗ trợ hình thành và triển khai phương án sản xuất kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị; xây dựng liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu địa phương; hỗ trợ cơ sở hạ tầng nhà xưởng, máy móc, thiết bị chế biến sản phẩm; hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng; xây dựng bao bì, nhãn mác, đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm.
Hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao quy trình - công nghệ sơ chế, chế biến sản phẩm OCOP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm đã được công nhận đạt sao; Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các trang thiết bị phục vụ kết nối thị trường, trưng bày, tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa của địa phương.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP bằng việc thử nghiệm và nhân rộng các mô hình điểm bán hàng OCOP, Trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP, áp dụng công nghệ thông tin nhằm khai thác lợi thế về du lịch nông thôn; Tích cực tham gia các Hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP; Thúc đẩy hệ thống thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), đặc biệt đối với các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương; đẩy mạnh kết nối mạng lưới sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế.
Hàng năm, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo phân cấp được quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg; Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp để hướng dẫn chuẩn hóa, phát triển sản phẩm OCOP; Rà soát đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm hiện có, định hướng các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg; kiểm tra, giám sát, kiểm soát chất lượng các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình và các sản phẩm sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP; tổ chức đánh giá lại sản phẩm OCOP đã đạt hạng sao và quyết định công nhận lại theo quy định.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số: xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với giám sát - chứng thực.
Thái Bình (Th)