Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hết năm 2024, toàn tỉnh công nhận 302 sản phẩm OCOP, trong đó, 208 sản phẩm đạt 3 sao và 94 sản phẩm đạt 4 sao.

Các sản phẩm sau khi được công nhận đều mở rộng thị trường, phát triển hệ thống mạng lưới tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh. Góp phần vào sự phát triển của các sản phẩm OCOP.

Mắm tép trưng thịt trưng bày tại lễ hội vùng Lim.
Mắm tép trưng thịt trưng bày tại lễ hội vùng Lim.

Công ty cổ phần PTK Việt Nam, thị trấn Lim (Tiên Du) là doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, trong đó sản phẩm mắm tép chưng thịt được chứng nhận OCOP 5 sao (hạng cao nhất) và 3 sản phẩm khác (thịt xào mắm ruốc, thịt trâu khô, heo khô được công nhận đạt hạng 4 sao.

Đến nay, doanh nghiệp được ngân hàng giải ngân cho vay đầu tư trang thiết bị hiện đại. Nhờ vậy, doanh nghiệp mở rộng sản xuất lên 8 sản phẩm, trong đó 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; được vinh danh trong tốp 100 thương hiệu nổi tiếng ASEAN (năm 2020) cung ứng cho hơn 300 điểm kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

Công ty Cổ phần thực phẩm Thơm Thực, phường Thanh Khương (thị xã Thuận Thành) được Hội Phụ nữ và Ngân hàng Chính sách xã hội thẩm định, giải ngân  cho vay 1,5 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đề đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại sản xuất các sản phẩm gia vị- thực phẩm. Hiện Công ty sản xuất hơn 70 mã sản phẩm gia vị thực phẩm các loại, được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và phân phối trên 30 tỉnh, thành từ miền Trung trở ra, trong đó có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, đều mang thương hiệu Chimax, là gia vị thân thuộc trong gian bếp của các bà nội trợ. Bà Nguyễn Thị Thơm, Giám đốc Công ty cho biết: “Là doanh nghiệp sản xuất trực tiếp nên rất cần nguồn vốn, đặc biệt nguồn vốn ưu đãi để tiết giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh, giá thành sản phẩm. Nguồn vốn ưu đãi chu kỳ vay 4 năm là điều kiện quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp tục phát triển”.

Tương tự, Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Thạch An, xã Đông Tiến (Yên Phong) chuyên sản xuất các sản phẩm từ cây thạch đen. Năm 2024, có 3 sản phẩm: Thạch đen Thạch An, Thạch đen trân châu, Boonghey - Thạch An được đề nghị phân hạng sản phẩm OCOP. Với sự nỗ lực phấn đấu để đưa những sản phẩm thạch đen sạch đến với người tiêu dùng. Nhờ vốn vay với lãi suất ưu đãi của ngân hàng, Công ty đầu tư trang thiết bị thay thế những công đoạn làm thủ công góp phần làm cho quy trình sản xuất thạch bảo đảm và đáp ứng các tiêu chí.

Năm 2023, Công ty vinh dự được nhận giải thưởng do Bộ Công Thương trao tặng: “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia”. Năm 2024, sản phẩm của Công ty đạt giải thưởng: “Hàng Việt Nam chất lượng cao” do chính người tiêu dùng bình chọn, không những nói lên chất lượng sản phẩm mà còn là động lực để những năm tiếp theo đơn vị làm tốt hơn nữa, đưa những sản phẩm chất lượng nhất đến người tiêu dùng. 

Với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện sứ mệnh tam nông, trong những năm qua, Agribank luôn đồng hành, hỗ trợ khách hàng trong việc tư vấn, hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu vốn kinh doanh đối với khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP nói riêng. Hiện nay, các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP có thể vay vốn không có đảm bảo bằng tài sản với mức vay lên tới 1 tỷ đồng (đối với hợp tác xã, chủ trang trại), hoặc tối đa 80% dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao)...

Đặc biệt, Agribank có chương trình cho vay đối với khách hàng sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP có quy mô chương trình 2.000 tỷ đồng; đối tượng khách hàng là khách hàng vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP thuộc các nhóm sản phẩm; lãi suất cho vay ngắn hạn, trung, dài hạn đối với sản phẩm OCOP từ 3-5 sao thấp hơn tối đa 2,0%/năm.

Dòng vốn ngân hàng trở thành yếu tố quan trọng góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, hợp tác xã, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; phát triển thế mạnh của địa phương, đưa sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu.

Để chương trình OCOP đạt hiệu quả và phát triển bền vững, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Bá Đoàn