Sản phẩm OCOP gạo thơm xã Đại Xuân
Sản phẩm OCOP gạo thơm phường Đại Xuân, thị xã Quế Võ

Ngay từ khi triển khai thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Bắc Ninh tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng, ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ và du lịch có lợi thế tại các địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (59 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao) của 38 chủ thể. Thông qua chương trình OCOP tác động tích cực đến phát triển kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm; góp phần nâng tầm giá trị của sản phẩm đặc sản địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 50 doanh nghiệp, HTX tham gia Chương trình OCOP. Theo đó, có tối thiểu 150 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 5 sản phẩm đạt 5 sao. Để đạt được mục tiêu này, rất cần những chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm hoàn thiện các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn.

 Bá Đoàn