Lễ hội đền Bà Triệu
Lễ hội đền Bà Triệu.

Theo kế hoạch, Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đền Bà Triệu và Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023 sẽ được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Lễ khai mạc bắt đầu từ 8 giờ ngày 11/3 tại khuôn viên khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc.

Lễ dâng hương tại các địa điểm: Đền Bà Triệu, lăng mộ Bà Triệu trên núi Tùng, lăng mộ ba ông tướng họ Lý dưới chân núi Tùng, đền Đệ Tứ, miếu Bàn thề, đình làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, Hậu Lộc.

Phần hội với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, khẳng định vai trò và dấu ấn của nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh cũng như tác động mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu trên quê hương Thanh Hóa.

Ngoài ra còn có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc của huyện Hậu Lộc; hoạt động trưng bày hiện vật, sách báo, tranh ảnh giới thiệu về di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu; các di tích lịch sử nổi tiếng xứ Thanh…

Được biết, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu nằm cạnh Quốc lộ 1A thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách thủ đô Hà Nội khoảng 120 km về phía Nam, cách thành phố Thanh Hóa 17 km về phía Bắc.

Vương Bà Triệu Trinh Nương, húy là Triệu Thị Trinh sinh ngày 2/10 năm Bính Ngọ (tức năm 226) tại vùng Quan Yên, quận Cửu Chân (nay là huyện Yên Định). Bà là anh thư hào kiệt, đẹp người đẹp nết, ý chí kiên cường, giỏi võ nghệ, mưu trí hơn người. 

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Bà Triệu là người phụ nữ đầu tiên được triều đình phong kiến phong Thần. Sau thời Tiền Lý, các triều đại phong kiến về sau phong sắc thần linh và Bà Triệu trở thành Phúc thần của làng Phú Điền.

Hình ảnh người nữ tướng khi ra trận mặc giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi trắng ra trận và câu nói khí phách “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng giữ, chém cá Kình ở biển Đông, làm cho trời yên biển lặng, cứu vớt dân lành, chứ đâu giống như người đời cúi đầu khom lưng làm tì thiếp cho người ta” trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của nhân dân ta.

Mặc dù cuộc khởi nghĩa đã bị thất bại, nhưng đây là mốc son đỉnh cao khẳng định sự nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân ở thế kỷ II - III, thúc đẩy ý chí quật cường cho nhân dân ta với quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược trong suốt thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc.

Trước công đức to lớn Bà Triệu với đất nước, đền thờ Bà đã được lập dưới chân núi Gai - xây lăng, dựng tháp trên đỉnh núi Tùng để chăm lo thờ cúng, nhân dân làng Phú Điền tôn Bà là Thần Hoàng làng thờ tại ngôi đình cổ của làng... Trải qua lịch sử hàng nghìn năm, khu di tích được quản lý, tôn tạo và trở thành di tích tâm linh quan trọng của cả nước.

Với những giá trị đặc biệt đó năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cho di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu.

Lê Nam