Nhà máy sản xuất phân bón của Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông
Nhà máy sản xuất phân bón của Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa).

Theo số liệu từ Sở Công Thương Thanh Hóa, những tháng đầu năm 2021, sản xuất phân bón bị giảm sản lượng so với cùng kỳ và những tháng trước đó. Điển hình như trong tháng 5, sản xuất phân bón chỉ đạt 6.500 tấn, bằng 75,4% so với cùng kỳ và 71,5% so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp sản xuất được hơn 39.000 tấn phân bón, bằng 93,5% so với cùng kỳ.

Năm 2021, dự kiến nhu cầu phân bón sử dụng tại Thanh Hóa sẽ từ 400.000 đến 450.000 tấn các loại. 

Theo khảo sát tại một số cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hiện tại, giá nhiều loại phân bón như urê, DAP, kali... tiếp tục tăng mạnh so với cách đây 1 tháng và đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm. So với cùng kỳ năm trước, hiện giá các loại phân bón urê và DAP đang cao hơn ít nhất từ 30%. Còn giá nhiều loại phân bón NPK và kali đang cao hơn ít nhất từ 10% so với cùng kỳ.

Một số doanh nghiệp sản xuất phân bón cho biết, do nguyên liệu sản xuất phân bón hiện rất khan hiếm do nguồn cung nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào Việt Nam bị hạn chế. Đặc biệt là tại Trung Quốc, thị trường nhập khẩu nguyên liệu sản xuất phân bón lớn nhất vào Việt Nam, điều này đã ảnh hưởng giá thành sản xuất phân bón của các doanh nghiệp trong nước và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo nhận định của một số nhà sản xuất, nếu giá nguyên liệu đầu vào trong thời gian tới không giảm, thì các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải điều chỉnh tăng giá để giữ ổn định sản xuất và việc làm cho người lao động.

Cùng với đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng kiến nghị với cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ thị trường phân bón; đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm và cảnh giác, đề phòng tình trạng phân bón kém chất lượng, hoặc giả mạo nhãn mác trà trộn trên thị trường.

Hoài Thu