Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Thanh Hóa kiểu mẫu - niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Nhân dân Thanh Hóa

Hơn nửa thế kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi về cõi vĩnh hằng nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác vẫn sống mãi trong lòng mỗi người con Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng. Niềm tin của Bác đối với Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa về xây dựng Thanh Hóa trở nên tỉnh kiểu mẫu, đang dần dần trở thành hiện thực.

Bác Hồ bắt nhịp cho trên 3 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang Thanh Hóa về dự mít tinh cùng hát vang bài ca “Kết đoàn” ngày 12-12-1961, tại Sân vận động tỉnh. Ảnh: TƯ LIỆU
Bác Hồ bắt nhịp cho trên 3 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang Thanh Hóa về dự mít tinh cùng hát vang bài ca “Kết đoàn” ngày 12/12/1961, tại Sân vận động tỉnh (Ảnh: TƯ LIỆU)

Thanh Hóa một vùng đất khắc nghiệt, bởi vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên. Nhân dân nơi đây đã từng quen sống trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt này, nên từ bao đời nay không sợ gian khó, bất khuất kiên trung, năng động sáng tạo. Hạn hán, bão tố, ngập lụt có thể tàn phá xóm làng, cướp đi thành quả lao động, nhưng không thể làm cho họ rời xa ruộng đồng, làng mạc.

Nhờ bàn tay và khối óc của con người, núi cao, rừng thẳm, sông sâu đã trở thành thế thiên hiểm vô cùng lợi hại trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Đây còn là vùng đất mà con người đã từng sáng tạo ra nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng, xây dựng nên một truyền thống hiếu học hiếm có, sản sinh bao nhân tài, là nơi tích lũy nguồn nhân lực chiến binh dồi dào.

Nếu lòng yêu nước thiết tha đã tạo ra các Anh hùng dân tộc như Lê Hoàn, Lê Lợi... và mặt bằng học vấn cao - đã sản sinh ra Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ... cùng bao nhiêu nhân tài khác. Các yếu tố thiên nhiên, con người đã đan quyện với nhau tạo nên vị thế chiến lược của tỉnh Thanh, tạo nên một thể kinh tế - xã hội - quân sự thống nhất. Nó đã phát huy cao độ vai trò, vị trí này trong tất cả các giai đoạn cách mạng của dân tộc.

Với vị thế chiến lược trọng yếu, Thanh Hóa đã được các nhà chính trị, quân sự của nhiều thời đại chọn làm căn cứ, hậu phương chiến lược của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước theo con đường cách mạng vô sản, với tầm nhìn xuyên suốt, toàn diện và sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thấy rõ hơn vị trí chiến lược cực kỳ trọng yếu của xứ Thanh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành tình cảm đặc biệt cho quê hương Thanh Hóa. Người đã nhiều lần viết thư cho những cán bộ của tỉnh và về thăm Thanh Hóa 4 lần. Mỗi lần về thăm, Người luôn dành thời gian để nói chuyện với cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân.

Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Nhân dân Thanh Hóa như người Cha đối với các con. Người quan tâm, gần gũi, khuyên bảo... và đặc biệt lúc nào Người cũng nhắc nhở Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu để “làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ, người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước”. Trong tầm nhìn chiến lược của Bác, Người tin tưởng Nhân dân Thanh Hóa chắc chắn làm được.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 31/12/1946, trong thư gửi cụ Lê Thước, Chủ tịch Ủy ban tăng gia sản xuất tỉnh Thanh Hóa, Bác viết: “Tôi chắc rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và hăng hái của cụ và Ủy ban, Thanh Hóa sẽ mau thành một tỉnh kiểu mẫu. Tôi mong rằng, trong công việc đó tất cả những người có tài, có đức, có sức, có của, có lòng đều hăng hái ra giúp, toàn thể đồng bào trong tỉnh đều hăng hái tham gia. Như thế thì nhất định thành công”.

Ngày 20/2/1947, tuy bộn bề công việc quốc gia đại sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã về thăm Thanh Hóa. Đây là lần đầu tiên Người về thăm Thanh Hóa. Sự kiện quan trọng này thể hiện tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Người đối với tỉnh Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc.

Trong buổi nói chuyện với các đại biểu thân sỹ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, Bác khẳng định: “Tỉnh Thanh Hóa, theo Bác, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu nhất định được vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự sắp đặt. Có ruộng phải cày cho có lúa, có người nhưng phải phân phối thế nào”.

Đồng thời, Người chỉ rõ: Xây dựng Thanh Hóa kiểu mẫu - tức là xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ kháng chiến, hậu phương chiến lược của các chiến trường. Muốn vậy thì:

“Phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu, làm một người kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu. Một tỉnh kiểu mẫu, một nước kiểu mẫu thì thế giới biết nước ta là một nước đáng được độc lập, thống nhất dân tộc tự do, kháng chiến thắng lợi” và Người chỉ cách làm “Đem tài dân, sức dân, của dân, làm lợi cho dân. Việc gì cũng phải từ việc dễ đến việc khó, từ việc gấp đến việc hoãn, từ việc tốn ít tiền đến việc tốn nhiều tiền. Nói tóm lại: Kế hoạch phải thiết thực, phải làm được”.

Đồng thời, với việc động viên các tầng lớp Nhân dân ở miền xuôi xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, trước khi về Hà Nội, ngày 21/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào Thượng du: “Lúc này, toàn thể quốc dân đang ra sức chống giặc cứu nước. Tôi chắc đồng bào Thượng du đều ra sức đoàn kết, chuẩn bị tham gia giết giặc, cứu nước để giữ vững quyền thống nhất, độc lập của Tổ quốc. Việc dìu dắt đồng bào Thượng du, tôi trông cậy lòng ái quốc và sự hăng hái của các vị lãnh đạo. Đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa phải đoàn kết thống nhất, chung lưng đấu cật tạo ra tiềm lực hùng hậu của căn cứ, hậu phương kháng chiến".

Xuyên suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm theo dõi, chỉ đạo sự nghiệp xây dựng Thanh Hóa kiểu mẫu, đến tháng 6/1957, trong lần về thăm Thanh Hóa lần thứ hai, tại buổi nói chuyện với đại biểu Nhân dân Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: Trong kháng chiến tôi có đến đây, đồng bào có hứa với tôi: Tỉnh Thanh Hóa sẽ là một tỉnh kiểu mẫu. Thế bây giờ tôi hỏi lại tất cả các cụ, các đại biểu có giữ được lời hứa không. Toàn thể đại biểu đồng thanh: Có. Bác khen: Rất tốt.

Năm 1961, trong lần về thăm Thanh Hóa lần thứ 4, tại buổi nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp cho trên 3 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang Thanh Hóa cùng hát vang bài ca “Kết đoàn” và Người căn dặn:

“Tỉnh ta là một tỉnh lớn nhất ở miền Bắc, đất rộng, người nhiều, Nhân dân có truyền thống anh dũng đấu tranh và cần cù lao động. Thanh Hóa có miền núi, trung du, đồng bằng và miền biển; như vậy các vùng có điều kiện giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế về mọi mặt làm cho tỉnh ta thêm giàu, đời sống của Nhân dân mau được cải thiện. Tỉnh ta có ngót 12 vạn đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động, đó là một lực lượng rất lớn.

Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên cần phải thực sự xung phong gương mẫu tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu mệnh lệnh, chống lãng phí, tham ô... Ra sức phát triển và củng cố tốt Đảng và Đoàn; đoàn kết toàn dân cùng nhau thi đua tiến bộ. Làm được như thế thì Thanh Hóa chắc sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.

Ngày 30/12/1968, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tại Hà Nội, Bác nói:

Thanh Hóa ta dân đông, đất rộng rừng vàng, bể bạc có điều kiện để trở thành một tỉnh giàu đẹp và kiểu mẫu. Bác nhắc lại để cán bộ và Nhân dân Thanh Hóa phải cố gắng nhiều hơn nữa, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu trong mọi việc, cán bộ phải gần gũi Nhân dân, Nhân dân phải thực sự làm chủ mọi công việc của mình...

Hơn nửa thế kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi về cõi vĩnh hằng nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác vẫn sống mãi trong lòng mỗi người con Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng. Niềm tin của Bác đối với Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa về xây dựng Thanh Hóa trở nên tỉnh kiểu mẫu đang dần dần trở thành hiện thực. Đến tháng 3/2023, toàn tỉnh đã có 12 xã, 317 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Một số địa phương, cấp ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề, đề án thực hiện Quyết định số 488/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh về tiêu chí kiểu mẫu và trình tự, thủ tục xét, công nhận các danh hiệu kiểu mẫu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa.

Có nhiều đơn vị tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng “Công dân, gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kiểu mẫu” gắn với phong trào thi đua riêng của đơn vị, ngành mình đã tạo nên không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp các vùng, miền trong tỉnh thắp sáng niềm tin lớn lao vào Đảng quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

PV (Theo baothanhhoa.vn)

Bài liên quan

Tin mới

Campuchia điều chỉnh giờ học và bơm nước vào lớp học do nắng nóng gay gắt
Campuchia điều chỉnh giờ học và bơm nước vào lớp học do nắng nóng gay gắt

Campuchia đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng, học sinh phải “gồng mình” để hoàn thành chương trình học, nhà trường tìm mọi cách giảm nhiệt cho lớp học.

Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM chưa được thông qua
Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM chưa được thông qua

Dù tìm được nguồn cát đắp nền phục vụ thi công dự án đường Vành đai 3 TP. HCM nhưng thủ tục khai thác chưa thông nên một số gói thầu chỉ thi công cầm chừng vì thiếu cát.

Mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch ngày 2/5
Mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch ngày 2/5

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 2/5 của các công ty chứng khoán.

Đồ Sơn – Điểm đến 4 mùa
Đồ Sơn – Điểm đến 4 mùa

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng đón tiếp số lượng lớn du khách thăm quan, du lịch và lưu trú.

Chiến thắng 30/4 là nguồn cảm hứng cho các dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do
Chiến thắng 30/4 là nguồn cảm hứng cho các dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do

Đại diện Venezuela khẳng định, chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 đã, đang và sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng cho các dân tộc trên thế giới đang đấu tranh vì độc lập, tự do, công bằng và tiến bộ xã hội.

Kim loại đồng sẽ vượt trội trước sự bùng nổ lĩnh vực xe điện
Kim loại đồng sẽ vượt trội trước sự bùng nổ lĩnh vực xe điện

Lĩnh vực xe điện toàn cầu đang được đầu tư rất nhiều nhằm góp phần hướng tới kịch bản phát thải ròng bằng 0 (Net-zero) vào năm 2050. Tuy nhiên, kim loại đồng, nguyên liệu đầu vào quan trọng của ngành công nghiệp xe điện, lại đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung và giá tăng cao. Xu hướng này vừa là thách thức, nhưng cũng vừa là động lực và cơ hội mới.