Trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội thì, giá trị Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là nội dung cốt lõi. Trong đó, giá trị về hạnh phúc luôn được Người đánh giá cao - là tiêu chí, thước đo về sự tiến bộ của Nhân dân và là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.

Di tích lịch sử 48 Hàng Ngang-Hà Nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Di tích Lịch sử 48 Hàng Ngang- Hà Nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội - nơi Bác Hồ viết Bản Tuyên Ngôn Độc lập vào ngày 28/8/1945. Chỉ với 1.010 chữ, được sắp xếp trong 49 câu nhưng đây là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn, sắc bén, có cơ sở pháp lý vững chắc, không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia mà còn mở ra một thời kỳ mới của dân tộc, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân.

Trên cơ sở giá trị phổ quát của loài người và được nêu trong Tuyên ngôn độc lập cách mạng Mỹ (1776) và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp (1789), Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là cơ sở pháp lý, chân lý của nhân loại mà không ai có thể vi phạm được.

PGS. TS. Lê Văn Yên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cho rằng, điểm nổi bật trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là giá trị thời đại. Hai bản Tuyên ngôn của Hoa Kỳ và Pháp chỉ nói quyền con người và quyền dân tộc. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy rộng ra, đó là tất cả các dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Đó là thiên tài của Người. Chính luận điểm đó dẫn dắt cho Người suốt bản Tuyên ngôn về giá trị thời đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tuyên ngôn độc lập (Nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tuyên ngôn độc lập (Nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản)

Để có được những đúc kết này, theo PGS. TS. Bùi Đình Phong, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đã khai thác được mẫu số chung, giá trị chung của toàn nhân loại, dù đó là phong kiến, tư sản, tôn giáo và chủ nghĩa Mác thì cùng chung mưu cầu hạnh phúc cho con người.

PGS. TS. Bùi Đình Phong phân tích: “Khổng Tử có ưu điểm là vấn đề tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu thì có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Tôn Dật Tiên có ưu điểm là phù hợp với hoàn cảnh nước ta... Từ đó, Người rút ra một điều là: Tất cả những con người đó chẳng có một điểm chung đó sao. Đó là mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Bác nói: Nếu họ còn sống trên đời này, thì Bác tin chắc rằng, những người đó sẽ ngồi lại với nhau như những người bạn rất hoàn mỹ và Bác sẽ cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, mưu cầu hạnh phúc là con đường, là mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản. Theo Người “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”. Khi miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chăm lo đời sống, hạnh phúc của Nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước ta hướng tới.

GS. TS. Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: “Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: Chủ nghĩa xã hội là một xã hội, trong đó không có chế độ người bóc lột người. Chủ nghĩa xã hội làm cho tất cả mọi người đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Tức là vừa có cuộc sống vật chất no đủ, vừa có đời sống tinh thần phong phú. Thứ ba, một xã hội chủ nghĩa theo quan niệm Hồ Chí Minh là một xã hội do người dân, đồng bào làm chủ”.

Hạnh phúc là giá trị thuộc về quyền con người. Người cũng chỉ rõ vai trò của Chính phủ, của đoàn thể, cán bộ, đảng viên trong việc phát huy dân chủ đem lại hạnh phúc cho Nhân dân. Đồng thời, mỗi người dân phải không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế, không ngừng học tập nâng cao trình độ văn hóa, phát triển bản thân và góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Như vậy, mưu cầu hạnh phúc là vì Nhân dân, vì con người và mục tiêu ấy do chính con người thực hiện.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đề ra mục tiêu chiến lược: “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân”. Tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh thông điệp mang lại giàu có và hạnh phúc cho Nhân dân nhằm khẳng định mục tiêu, giá trị cốt lõi của Đảng. Đó là Đảng vì Nhân dân.

TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương
TS. Phùng Hữu Phú, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương

TS. Phùng Hữu Phú, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương khẳng định: “Khát vọng phát triển đất là một yếu tố rất là mới, thực sự là nhân tố thể hiện sức mạnh nội sinh tiềm tàng của dân tộc ta. Vấn đề đặt ra là khát vọng phát triển thế nào? đặc biệt là nhấn mạnh hạnh phúc của Nhân dân. Qua dịch Covid-19, càng ngày người ta càng hiểu là "không phải cứ thu nhập cao là sung sướng" - hóa ra không phải cứ "tốc độ tăng trưởng nhanh sung sướng" - mà điều quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc".

Để mang lại giàu có, hạnh phúc cho Nhân dân, cùng với đẩy mạnh phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, của hệ thống chính trị, Đảng đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước.

PV(Nguồn: vov.vn)