Tham gia lễ hội, có lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, đại diện các ban ngành đoàn thể trong tỉnh, chính quyền địa phương và đông đảo nhân dân cùng du khách thập phương.

Các nghi lễ chủ yếu được diễn ra trong lễ hội như rước kiệu, tế nữ có Hội trân, hát chầu văn, các tiết mục diễn tả lại hào khí chống quân Ngô của Bà Triệu… Ngoài các nghi thức lễ trên còn có lễ Mộc dục. Đây là một nghi thức lễ được nhân dân địa phương rất chú ý, thận trọng, chọn ngày tốt để hành lễ, thường là ngày 18, 19 tháng 2 Âm lịch ở cả 2 nơi đền và đình làng, do ông từ cả và 3 ông từ phụ chịu trách nhiệm.

Thanh Hóa: Kỷ niệm 1.771 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Trị Trinh - Hình 1

Các nghi thức lễ thể hiện tinh thần "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh công lao to lớn và khí phách anh hùng của bà Triệu Thị Trinh

Tiếp đó, ngày 23/2 thuộc vào các ngày chính kỵ, ngày này không tế mà chỉ làm lễ, có một số lễ vật như 100 trứng sống, 100 quả dưa chuột, 3 bát cơm gạo trắng, 3 quả trứng luộc, bánh dày, bánh gai, bánh trưng, bánh mật…

Lễ hội thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của người dân Thanh Hóa, đồng thời tôn vinh công lao to lớn và khí phách anh hùng của bà Triệu Thị Trinh.

Theo sử sách, Bà Triệu (tên húy là Triệu Thị Trinh) sinh ngày 2/10/225, tại vùng núi Quan Yên, quận Cửu Chân (huyện Yên Định, Thanh Hóa ngày nay). Bà là người giỏi võ nghệ, khí phách quật cường. Bà sinh ra trong thời đất nước bị nhà Ngô phương Bắc chiếm đóng, cai trị.

Không cam chịu ách đô hộ tàn bạo của nhà Ngô, lên 18 tuổi, Triệu Thị Trinh đã cùng anh trai Triệu Quốc Đạt tập trung lực lượng, dấy binh khởi nghĩa ở vùng núi Quan Yên chống lại ách đô hộ của giặc Ngô, việc làm trên được nhân dân khắp nơi hưởng ứng, tham gia.

Thanh Hóa: Kỷ niệm 1.771 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Trị Trinh - Hình 2

Lãnh đạo và nhân dân Thanh Hóa cùng du khách thập phương tham dự buổi lễ

Sau khi thấy lực lượng của nghĩa quân Bà Triệu lớn mạnh. Năm 248, triều Đông Ngô đã cử một đạo quân hùng mạnh gồm 8.000 quân sĩ, tiến vào nước ta để đối phó. Sau nhiều tháng vây hãm, quân Ngô không tài nào đánh bại được nghĩa quân.

Cuối cùng, quân giặc đã dùng mưu kế thâm hiểm để đối phó. Để giữ khí tiết anh hùng, Bà Triệu đã tuẫn tiết và hy sinh trên đỉnh núi Tùng vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn (248), khi mới 23 tuổi.

Sau khi Bà Triệu hy sinh, để tỏ lòng biết ơn, nhân dân trong vùng đã xây dựng đền thờ Bà Triệu tại núi Gai, lập lăng tại núi Tùng và làm đình ở làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lậu ngày nay.

Hàng năm, cứ vào ngày 22 và 23/2 (Âm lịch), Lễ hội đền Bà Triệu lại diễn ra. Đây là dịp để nhân dân, khách thập phương dâng hương tưởng nhớ đến nữ Anh hùng dân tộc – Triệu Thị Trinh. Ngoài ra, giúp cho thế hệ trẻ biết đến một tấm gương, lòng yêu nước của những bậc tiền nhân.

Thuấn Nguyễn