Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa)
Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa)

Theo đó, theo Quyết định số 2539/QĐ-UBND do UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành tháng 6/2019 nêu rõ về định hướng xây dựng quy hoạch vùng huyện Thọ Xuân đến năm 2030 sẽ thành lập thành phố Thọ Xuân.

Nhiều năm gần đây, huyện Thọ Xuân đều là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bởi những cách làm hiệu quả. Về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng hệ thống hạ tầng..., Thọ Xuân đều là điểm sáng của tỉnh trong những năm qua. Năm 2020, tuy tình hình dịch bệnh COVID-19 gây khó khăn, nhưng tốc độ phát triển kinh tế của huyện vẫn đạt 16,36%, thuộc những địa phương có tỷ lệ tăng trưởng cao trong tỉnh; trong năm, địa phương đã huy động tổng nguồn vốn cho đầu tư phát triển đạt hơn 5.920 tỷ đồng.

Theo định hướng phát triển đã được các cơ quan cấp tỉnh và đơn vị tư vấn cho ý kiến, Thọ Xuân sẽ trở thành vùng tăng trưởng xanh phát triển kết hợp công – nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch cảnh quan sinh thái và văn hóa lịch sử. Toàn vùng huyện Thọ Xuân hiện tại có quy mô diện tích 292,3km2 sẽ được phân chia thành các phân vùng với những đặc thù phát triển riêng.

Trong đó, phân vùng Đông hữu ngạn sông Chu hơn 75km2 gồm vành đai phát triển đô thị dọc các trục Quốc lộ 47B, 47C với hạt nhân là thị trấn Thọ Xuân ngày nay cùng các khu vực phát triển như Neo, Tứ Trụ và vùng nông nghiệp về phía Đông – Đông Nam của huyện. Phân vùng tả ngạn sông Chu rộng khoảng 93,8km2 với hạt nhân là các đô thị Xuân Lập, Xuân Lai, Phố Đầm, Vạn Lại... và vùng nông nghiệp bao quanh. Ngoài phát triển đô thị, nơi đây sẽ được định hướng phát triển thành vùng sinh thái, phát triển trang trại chăn nuôi và trồng trọt theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

Các nhiệm vụ để xây dựng Thọ Xuân thành thành phố vào năm 2030 đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thọ Xuân lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2021–2025 đề cập. UBND huyện Thọ Xuân cũng đã ban hành kế hoạch hành động để tạo sự đồng thuận, từng bước triển khai thực hiện. Từng nhóm nhiệm vụ cụ thể từ nay đến năm 2025 đã được vạch ra, có các giải pháp triển khai để đạt kết quả cao nhất. Dường như, các yếu tố “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” để Thọ Xuân vươn mình thành thành phố đã manh nha hội tụ.

Tuyến đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn đã kết nối vùng Lam Sơn – Sao Vàng với khu kinh tế động lực, đang phát triển năng động bậc nhất cả nước. Cùng với hành lang Lam Sơn – Nghi Sơn, khu vực Lam Sơn - Sao Vàng có nhiều dư địa phát triển, được định hướng phát triển thành vùng công nghiệp công nghệ cao. Trong quá trình thu hút đầu tư, tỉnh có hướng ưu tiên phát triển ngành chế biến thực phẩm công nghệ cao; bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành máy bay; sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử; sản xuất đồ gia dụng, phụ tùng ô tô và phương tiện vận tải... Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đến từ các nước Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore... đã về Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng tìm hiểu cơ hội đầu tư. Hiện tại, hạ tầng khu công nghiệp này đang dần được hoàn thiện, trong đó có các tuyến giao thông nội khu đã được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, trung tâm hành chính – chính trị của huyện Thọ Xuân từ nay đến năm 2030 vẫn duy trì tại thị trấn Thọ Xuân hiện tại. Nhưng từ năm 2030 trở đi, sẽ từng bước xây dựng để chuyển trung tâm hành chính mới của thành phố tương lai này về khu vực phát triển đô thị Lam Sơn – Sao Vàng. Khu vực trọng điểm của thành phố tương lai này cũng được định hướng để xây dựng thư viện khoa học – kỹ thuật, bảo tàng lịch sử các triều đại lịch sử nhà hậu Lê tại khu vực Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, trường đào tạo nghề, phân viện đại học để tập trung đào tạo các ngành...

Trên cơ sở địa hình, hiện trạng tự nhiên, định hướng TP Thọ Xuân sẽ được tổ chức theo mô hình “Hai vành đai – ba vùng phát triển”. Trong đó, khu công nghiệp gắn với đô thị Lam Sơn – Sao Vàng hiện nay thuộc vành đai thứ nhất của thành phố tương lai. Nơi đây có nhiều đầu mối giao thông quan trọng, như tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua để kết nối với cả nước; tuyến Quốc lộ 47 nối hành lang kinh tế Đông – Tây của tỉnh, biến vùng Lam Sơn – Sao Vàng thành trung tâm của hành lang này. Nơi đây còn là đầu mối của tuyến Quốc lộ 47B nối Cảng Hàng không Thọ Xuân đi tỉnh Ninh Bình... Đặc biệt, vùng này có cảng hàng không ngay trong lòng đô thị, hiện đã được Bộ Giao thông – Vận tải phê duyệt thành cảng hàng không quốc tế. Thuận lợi về giao thông chắc chắn sẽ là cơ hội để vùng đất Lam Sơn – Sao Vàng phát huy được lợi thế, khơi dậy các dư địa phát triển để cất cánh.

Ngoài phát triển các đô thị, nơi đây sẽ ưu tiên hình thành vùng trọng điểm công – nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế - xã hội mang tính động lực lan tỏa, giao thoa giữa đồng bằng, trung du và miền núi phía Tây của tỉnh.

Vùng Lam Sơn – Sao Vàng từ nhiều năm qua đã được tỉnh coi là một trong 4 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của “Tứ Sơn”, gồm: Nghi Sơn, Bỉm Sơn, Sầm Sơn và Lam Sơn – Sao Vàng. Cộng với định hướng phát triển TP Thọ Xuân, Lam Sơn – Sao Vàng sẽ trở thành trọng tâm phát triển, không những của TP Thọ Xuân trong tương lai mà của cả tỉnh Thanh Hóa, tạo sự liên kết phát triển giữa khu vực đồng bằng và miền núi của xứ Thanh.

Hoài Thu