Ảnh minh họa

Theo đó, với mục tiêu định hướng cho bà con nông dân sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, quy hoạch những vùng sản xuất lúa tập trung, sử dụng một loại giống lúa chất lượng cao trên một xứ đồng; có sự liên kết 4 nhà, khuyến khích ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người nông dân. 

Trong quá trình thực hiện, các hộ nông dân sẽ được cán bộ kỹ thuật tư vấn và hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây lúa tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao, gieo tập trung, bón phân cân đối nên cây lúa cứng, ruộng thông thoáng, tỷ lệ gây hại của các đối tượng sâu bệnh thấp hơn…, nhờ đó giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giảm chi phí sản xuất từ 25- 30% so với canh tác truyền thống, từ đó nâng cao được chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thời gian qua, để tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã khuyến khích phát triển mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Quảng Nhân, Quảng Hòa, Quảng Yên, Quảng Ngọc,... với diện tích hơn 250 ha.

Mô hình sử dụng giống lúa Bắc Thịnh có chất lượng tốt, tỷ lệ nảy mầm cao, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, trổ tập trung. Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt so với sản xuất truyền thống trước đây. 

Bên cạnh đó, tham gia liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân đã có ý thức hơn trong việc thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường. Hiện nay, lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có năng suất đạt 65 tạ/ha, tăng từ 10 đến 15% so với sản xuất truyền thống. Hiện, sản phẩm đang được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Bắc Trung bộ, với cam kết thu mua 100% lúa tươi tại ruộng.

Còn với giống lúa Nếp cái hoa vàng xã Hà Long (Hà Trung) là sản phẩm được đánh giá đạt chất lượng OCOP 3 sao năm 2019. Từ 27 ha ban đầu, đến nay vùng nguyên liệu sản xuất gạo nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP đã phát triển khoảng 200 ha, với hơn 1.000 hộ dân tham gia sản xuất. Toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, tăng cường sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch đúng thời điểm và bảo đảm thời gian cách ly để tránh tồn lưu hóa chất.

Do được áp dụng các khâu kiểm soát nghiêm ngặt nên sản phẩm tiêu thụ với giá ổn định và cao hơn từ 2 đến 3 lần so với sản xuất truyền thống. Để ổn định đầu ra của sản phẩm giúp người dân yên tâm sản xuất, HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Thương mại Sao Khuê. Trong quá trình thực hiện liên kết, doanh nghiệp đã thực hiện chuyển giao khoa học công nghệ và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm ngay sau khi thu hoạch với giá cao hơn giá thị trường từ 5 đến 10%. Ngoài ra, cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp trả chậm, đồng hành cùng người dân trong quá trình sản xuất, xử lý sâu bệnh hại.

Trước yêu cầu sử dụng sản phẩm nông sản sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh phát triển mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Trường Sơn, Tượng Văn, Minh Nghĩa, Tế Lợi,... huyện Nông Cống; sản xuất lúa nếp cái hoa vàng tại các xã Hà Lĩnh, Hà Long, huyện Hà Trung; xã Lập Thạch, huyện Ngọc Lặc và nhiều xã trên địa bàn các huyện Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hà Trung, Yên Định, Thọ Xuân.

Đánh giá về hiệu quả sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, đại diện lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, cho biết: Với sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, nhất là sự vào cuộc của các địa phương và người dân đã khẳng định đây là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, phù hợp với xu thế phát triển, hướng tới một nền nông nghiệp sạch. Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo uy tín, thương hiệu sản phẩm nông sản, từ đó nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

Giá bán sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn so với sản phẩm canh tác thông thường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP còn phục hồi được hệ sinh thái trên đồng ruộng và bảo đảm được sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng sản phẩm.

Bên cạnh đó, giúp người dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ và nắm bắt được quy trình sản xuất lúa theo hướng VietGAP, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đồng thời sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa một cách khoa học. Bên cạnh đó, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giúp người dân yên tâm sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ.

Hoài Thu