Trong năm 2019, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, đưa các giống lúa mới, các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Trong đó, đối với cây bưởi Diễn là thế mạnh của địa phương, Ủy ban nhân dân, Hợp tác xã nông nghiệp đã mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, thụ phấn bổ sung, áp dụng quy trình kỹ thuật VietGap, nên toàn bộ 150 ha bưởi của xã đều đạt sản lượng, bình quân mỗi cây có từ 100 - 120 quả trở lên.
Bưởi Diễn được trồng tại xã Nam Phương Tiến cho quả ngon, ngọt
Đặc biệt, xã Nam Phương Tiến còn thực hiện mô hình bưởi hữu cơ với quy mô 10 ha tại Hợp tác xã bưởi Núi Bé. Hiện nay bưởi hữu cơ chuẩn bị cho thu hoạch, theo đánh giá ban đầu chất lượng bưởi ngon, ngọt, tôm vàng.
Đối với cây lúa, Hợp tác xã nông nghiệp đã triển khai mô hình khảo nghiệm các giống lúa chất lượng cao như: J01, J02, TBR225, Gia Lộc 105, Lam Sơn 8; Phối hợp với Trung tâm khuyến nông triển khai mô hình gieo mạ khay, máy cấy với quy mô 100ha. Trong năm 2019, Hợp tác xã nông nghiệp Nam Phương Tiến đã mạnh dạn đầu tư mua 2 máy làm đất, máy cấy và ký hợp đồng với các chủ máy để thực hiện tốt chương trình cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch góp phần giảm bớt sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất.
Để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản là thế mạnh của địa phương, xã Nam Phương Tiến đã triển khai Đề án tổ chức sản xuất và tiêu thụ rau, quả, lúa an toàn. Với mục đích để mở rộng thị trường, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, xã Nam Phương Tiến đã đưa các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu như: Bưởi, lúa, rau an toàn tham gia hội chợ xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương.
Tại huyện Đông Anh, chính quyền huyện đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) triển khai thực hiện gắn mã QR truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm cam của Xuân Canh. Đây là một bước đi quan trọng trong việc phát triển và bảo vệ thương hiệu cam Xuân Canh.
Hơn 10.000 gốc cam Xuân Canh được gắn mã truy xuất nguồn gốc
Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản được huyện Đông Anh triển khai bắt đầu từ đầu năm 2019 và được áp dụng trên mô hình cam Xuân Canh từ tháng 7/2019. Hiện nay trên toàn xã có khoảng 20.000 gốc cam, trong đó có hơn 10.000 cây đã ra quả và được gắn mã vạch.
Theo ông Hoàng Văn Nhạ, Chủ tịch Hội Nông dân Xã Xuân Canh, sau khi đăng ký gắn mã truy xuất nguồn gốc cho nông sản, các chủ vườn sẽ được cấp tài khoản quản trị để cập nhật thông tin về nông sản.
Trên cơ sở đó, người tiêu dùng có thể theo dõi toàn bộ quá trình của cam Xuân Canh, từ khi cây mới ra hoa cho tới khi được đóng hộp xuất ra thị trường, thậm chí cả việc cây sử dụng phân bón gì và bón ngày bao nhiêu cũng được hiển thị tại đây.
Toàn bộ thông tin trên đều được công khai, minh bạch, không ai có thể thay đổi được. Hệ thống cũng sẽ tự định vị vị trí nơi sản xuất để đảm bảo thương hiệu của cam Xuân Xanh không bị làm giả.
Sau khi dán mã truy nguồn gốc, cam Xuân Canh bán ra thị trường với giá buôn khoảng 25.000 đồng/kg và từ 40.000- 50.000 đối với bán lẻ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.
H.K