Theo đó, Cục thuế tỉnh Thanh Hóa đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, chi cục thuế các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị đầu mối thực hiện tham mưu, tổng hợp, phối hợp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Cụ thể, thường xuyên chỉ đạo việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, như bán hàng trực tuyến của cá nhân, hộ kinh doanh; hoạt động thương mại điện tử của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam; quản lý thuế đối với các giao dịch trên cổng thanh toán quốc tế...
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế nói chung, công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nói riêng. Đi đôi với đó, Cục thuế tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, nghĩa vụ đăng ký, kê khai nộp thuế, các loại thuế phải nộp đến người nộp thuế có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn.
Thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định. Cục thuế phối hợp với các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh; Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, chuyển phát, bưu chính, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Kế hoạch và Đầu tư; các cơ quan truyền thông để có được các thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, áp dụng các biện pháp “truy vết” người kinh doanh trực tuyến, bán hàng online để quản lý thu thuế.
Đồng thời, tìm hiểu, khai thác thông tin các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, như Shopee, Tiki, Lazada...; nền tảng chia sẻ video trực tuyến như YouTube; các trang mạng xã hội nước ngoài như Google, Facebook... để kịp thời hướng dẫn, đôn đốc người nộp thuế kê khai, nộp thuế theo quy định...
Theo báo cáo của Cục thuế, qua kiểm tra, xác minh năm 2021, Chi cục thuế khu vực TP Thanh Hóa - Đông Sơn đã thực hiện tăng mức thuế khoán của 5 hộ kinh doanh thương mại điện tử theo đúng quy định và tăng doanh thu khoán thuế lên 960 triệu đồng/tháng, số thuế khoán phải nộp tăng lên 14,4 triệu đồng/tháng.
Cũng từ năm 2021 đến trung tuần tháng 2/2022, cục thuế tiếp tục chỉ đạo các Chi cục thuế mời làm việc đối với 129 hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử để xác định doanh thu thực tế, thực hiện điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán phù hợp, đúng quy định.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng có tính phi biên giới, không phụ thuộc vào địa bàn quản lý hành chính, dễ dàng thay đổi, che dấu hoặc xóa dữ liệu giao dịch, do đó, cơ quan thuế khó xác định chính xác người nộp thuế, doanh thu phát sinh; khó nắm bắt được quy mô hoạt động kinh doanh cũng như quá trình giao dịch bán hàng.
Người nộp thuế có thể mở nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau trên toàn quốc, giao dịch trên tài khoản phục vụ cho cả kinh doanh và nhu cầu cá nhân, gia đình, do đó việc phối hợp trao đổi thông tin giữa cơ quan ngân hàng và cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn.
Ông Mai Đình Tú, Phó Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa, cho biết: Thời gian tới, Cục thuế tiếp tục chỉ đạo chi cục thuế các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nội dung, giải pháp tăng cường công tác quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên sâu cho cán bộ, công chức chuyên trách về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Tích cực trong công tác tuyên truyền, tư vấn, kết hợp khuyến cáo đối với các vi phạm để thúc đẩy việc tự giác thực hiện kê khai phù hợp; đơn giản thủ tục hành chính cho hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế để phát hiện, xử lý kịp thời theo quy định.
Hoài Thu