Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Hoạt động du lịch Thanh Hóa đã có bước phát triển mạnh mẽ, thu hút nguồn lực đầu tư lớn, tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng du lịch.
Các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú và đa dạng, chất lượng dịch vụ được cải thiện rõ rệt. Hệ thống quản lý Nhà nước về du lịch được đổi mới, nhận thức về phát triển du lịch được nâng cao, môi trường du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là tạo việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng và tạo được hình ảnh du lịch Thanh Hóa như một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, năng động và giàu bản sắc.
Giai đoạn 2018 - 2022, trên địa bàn tỉnh đã có 14 quy hoạch phát triển du lịch được phê duyệt; 10 quy hoạch đang nghiên cứu xây dựng. Có 26 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch đã và đang triển khai với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng (ngân sách trung ương hỗ trợ 1.192 tỷ đồng); thu hút 33 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 66.593 tỷ đồng.
Đến ngày 31/12/2022, đã có 7 dự án đã hoàn thành; 5 dự án chuyển tiếp đang triển khai thực hiện. Các địa phương đã huy động được 337.959 triệu đồng để đầu tư, tu bổ, tôn tạo 12 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Tính đến tháng 31/12/2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.000 khách sạn, nhà nghỉ với 45.000 phòng, hơn 350 căn hộ, biệt thự du lịch, 192 homestay; có trên 1.000 nhà hàng ăn uống du lịch và khoảng 10 trung tâm mua sắm có quy mô lớn. Công tác thẩm định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo đúng thời hạn quy định, khách quan, đã thực hiện thẩm định và tái thẩm định 223 cơ sở lưu trú du lịch. Có 61 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, các doanh nghiệp lữ hành đã chú trọng việc kết nối các dịch vụ, cung cấp phong phú, đầy đủ các dịch vụ đi kèm, đáp ứng cơ bản nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghỉ dưỡng của du khách.
Từ năm 2018 - 2022, toàn tỉnh đón trên 39,7 triệu lượt khách (trong đó trên 832,6 nghìn lượt khách quốc tế); tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,5%/năm. Tổng thu từ du lịch đạt 60.591 tỷ đồng (trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt trên 235,7 triệu USD); tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20,2%/năm.
Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch được quan tâm thường xuyên. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch được đổi mới về nội dung và hình thức, tuyên truyền. Đến tháng 12/2022, ngành du lịch đã triển khai việc số hóa và đưa vào sử dụng ứng dụng du lịch thông minh MobiFone Smart Travel tại 8 khu, điểm du lịch; triển khai thực hiện quảng bá trên các nền tảng số, thực hiện dự án; xây dựng Cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tại tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Cụ thể: Một số địa phương thiếu chủ động, quyết liệt trong việc triển khai, thực hiện các văn bản của Trung ương và của tỉnh về du lịch. Công tác lập quy hoạch tại một số khu, các điểm du lịch triển khai chậm, chất lượng một số quy hoạch chưa cao. Công tác quản lý quy hoạch du lịch của một số địa phương còn hạn chế, còn để xảy ra sai phạm trong đầu tư xây dựng dịch vụ du lịch.
Hầu hết các dự án chậm tiến độ so với quy định; nhiều dự án kéo dài nhiều năm. Nguồn vốn từ ngân sách còn hạn hẹp, giao vốn chậm, tiến độ giải ngân chậm đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án. Hạ tầng du lịch còn hạn chế. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế, thiếu đội ngũ lao động chuyên nghiệp, thiếu hướng dẫn viên du lịch. Việc thu gom, xử lý nước thải vẫn chưa được xử lý dứt điểm một số khu du lịch trọng điểm, hệ thống xử lý nước thải hiện đã quá tải, đặc biệt vào các tháng cao điểm mùa du lịch…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế HĐND tỉnh nêu ra một số kiến nghị.
Theo đó, đối với UBND tỉnh:
Cần chỉ đạo tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, Nhân dân về phát triển du lịch, coi phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch các khu, điểm du lịch;
Huy động các nguồn lực tham gia đầu tư hạ tầng du lịch phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch của địa phương; quan tâm tăng nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích hàng năm nhằm phát huy có hiệu quả di tích phục vụ phát triển du lịch; chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện các dự án tu bổ di tích đang chậm tiến độ để sớm hoàn thành và đưa vào khai thác phục vụ phát triển du lịch;
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu những tiềm năng du lịch của tỉnh để thu hút đầu tư phát triển du lịch; tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm cho Nhân dân và khách du lịch; đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, đốn đốc, xử lý các vi phạm trong hoạt động du lịch;
Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, phát huy hiệu quả các làng nghề truyền thống trong việc sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch; hướng dẫn thống nhất phương thức quản lý, điều hành, hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng;
Chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực bổ trợ cho du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng.
Đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Cần phối hợp với các địa phương, tham mưu cho tỉnh làm tốt công tác quy hoạch nói chung, đặc biệt là quy hoạch phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch; tập trung nâng cao chất lượng các quy hoạch và quản lý, triển khai tốt các quy hoạch đã được phê duyệt;
Đẩy mạnh hoạt động kích cầu, phục hồi du lịch nhằm đảm bảo đạt các chỉ tiêu mà Chương trình Phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra; khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch hình thành liên minh kích cầu du lịch; tăng cường liên kết phát triển du lịch với các địa phương và du lịch trong và ngoài nước; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các địa phương đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch mới, cao cấp, có tính cạnh tranh cao;
Nghiên cứu xây dựng và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai chương trình mỗi địa phương một sản phẩm du lịch hấp dẫn; tập trung phát triển sản phẩm du lịch có thế mạnh, đặc trưng của tỉnh, gắn với xây dựng sản phẩm du lịch mới, đáp ứng được xu hướng mới của thị trường;
Đặc biệt, chú trọng khai thác giá trị văn hóa, truyền thống vào sản phẩm du lịch nhằm giảm thiểu tính thời vụ của du lịch Thanh Hóa;
Tiếp tục duy trì bảo đảm các điều kiện an toàn điểm đến và an toàn cho du khách; phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng trong xu thế hội nhập toàn cầu; tích cực triển khai Chương trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển du lịch; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình và huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện phát triển du lịch địa phương;
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch; chỉ đạo xây dựng quy hoạch các khu, các điểm du lịch, nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch; quan tâm bố trí quỹ đất để quy hoạch điểm dừng chân, các khu vui chơi giải trí, công viên, khu dịch vụ tại các điểm, khu du lịch; quản lý tốt tài nguyên du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, môi trường và an toàn thực phẩm tại các điểm, khu du lịch nằm trong địa bàn cấp mình quản lý;
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các điểm du lịch, sản phẩm du lịch của từng địa phương; chú trọng khai thác các loại hình du lịch mới, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, có thế mạnh của địa phương, sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực bổ trợ cho du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng.
Hoài Thu