Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, tính đến nay, tổng đàn lợn của tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng hơn 1,2 triệu con, đàn gia cầm khoảng 23 triệu con. Thời điểm hiện tại, tại tỉnh này không còn xảy ra tình trạng khan hiếm lợn giống sau khi dịch tả lợn Châu phi được khống chế.
Tuy nhiên, dù không còn khan hiếm hàng, nhưng theo thông tin từ các hộ chăn nuôi trên địa bàn cho biết, từ cuối năm 2020 đến nay giá lợn giống và nhất là các mặt hàng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm đã tăng khoảng 6 đợt liên tiếp, mức tăng trung bình từ 10 đến 15%/đợt đã ảnh hưởng lớn đến công tác tái đàn, phát triển quy mô chăn nuôi.
Cụ thể, giá lợn giống tăng so với trước đây, khoảng từ 2,4 đến 2,8 triệu đồng/con (từ 7 đến 10 kg). Trong khi mỗi loại thức ăn tương ứng với từng giai đoạn phát triển của lợn cũng đã tăng trung bình 50.000 đồng/bao 25 kg và dự kiến sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Chưa kể, dù giá thức ăn, giá giống tăng cao nhưng người chăn nuôi cũng đang phải đối mặt với khó khăn là giá các loại thịt gia súc, gia cầm, trứng lại giảm, không bán được giá khiến người chăn nuôi thua lỗ.
Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng là do nguyên liệu đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, nước ta vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đang phải phụ thuộc tới 80% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ, EU, Nga... Đây là khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nên khâu kiểm soát khắt khe, thậm chí có thời điểm phải tạm dừng hoạt động khiến chuỗi cung ứng bị đứt đoạn. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cũng tăng trung bình 200 - 300% do thiếu tàu vận tải biển và container.
Với thực trạng như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi được coi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên khi hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu. Tiếp đến là người chăn nuôi, nhất là người chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
Theo dự báo của ngành nông nghiệp, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng, tối thiểu từ 5 đến 10% tùy loại và dự kiến sẽ giảm dần, ổn định từ tháng 7/2021. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì tổng đàn, thu nhập của người dân và sức tăng trưởng ngành chăn nuôi.
Do vậy, các sở, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cần có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi về vốn đầu tư, tạo điều kiện về đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng thương lái ép giá.
Đi đôi với đó, các đơn vị sản xuất, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần thực hiện công khai niêm yết giá và cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm để giữ chữ “tín” đối với người chăn nuôi.
Hoài Thu