Tại Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, nhiều sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng 1.500 đồng/kg kể từ ngày 1/3/2021; Công ty TNHH Grobest Industrial Việt Nam từ ngày 1/4/2021 áp giá bán mới với tất cả các sản phẩm thức ăn tôm cao hơn 1.200 đồng/kg; Công ty TNHH Tongwei cũng đã tăng giá thức ăn tôm từ ngày 5/2/2021 với mức tăng từ 1.200 - 1.400 đồng/kg... Được biết, so với năm 2020, giá nguyên liệu đầu vào của ngành này tăng từ 16 - 51% và chủ yếu là các sản phẩm nhập khẩu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngoài ra, nhiều hộ nuôi tôm cho rằng họ phải mua thức ăn nuôi tôm với giá thành cao do việc sản xuất theo chuỗi, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hiện tại rất yếu. Người dân thường phải mua nguyên liệu qua đại lý, vì họ bán hàng trả chậm cho nông dân, trong khi các công ty sản xuất không làm được như vậy. Mặt khác, các đại lý có khả năng cho vay gối đầu, người nuôi tôm lại có “xu hướng” chuộng kiểu “ăn trước trả sau” nên lệ thuộc nhiều vào họ.

Các hộ nông dân cho biết, nếu mua trực tiếp từ nhà máy sản xuất sẽ giảm được 20% chi phí hoa hồng, thì giá thức ăn tôm sẽ thấp hơn và sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Những trang trại lớn đến trực tiếp các công ty sản xuất đề mua mà không qua đại lý nên có thể mua được nguyên liệu giá tốt. Nhưng nhiều hộ nông dân do không có vốn, phải mua thức ăn trả chậm, 70% giá thành nằm trong chi phí thức ăn, nên giá cả thức ăn cho tôm nói riêng và thức ăn thủy sản nói chung vẫn là nỗi ám ảnh lớn.

Một hộ dân nuôi tôm cho rằng, vấn đề này chỉ giải quyết được nếu chuỗi liên kết có sự tham gia của Nhà nước, tức là ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho công ty cung ứng có thể bán hàng trả chậm cho nông dân theo cách mà các đại lý đang làm hiện nay.

Ngọc Khánh