Từ đầu năm 2021 đến nay, kim ngạch xuất khẩu tôm tăng so cùng kỳ nhờ tác động từ lợi thế của các FTA mà Việt Nam đã ký kết với nhiều nước trên thế giới.
Đặc biệt, xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau vào thị trường châu Âu (EU) từ đầu năm 2021 đến nay, đạt 163 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu vào thị trường Canada gần 15%, Australia tăng gần 41%, Thụy Sĩ tăng 568%. Còn tại tỉnh Bạc Liêu, tổng kim ngạch xuất khẩu quý 1/2021 đạt 163 triệu USD, bằng 18% kế hoạch, tăng 8% so cùng kỳ (trong đó, tôm đông lạnh đạt 160 triệu USD, tăng trên 8% so cùng kỳ).
Tương tự, một số tỉnh xuất khẩu tôm trọng điểm tại ĐBSCL như Sóc Trăng, Kiên Giang… cũng tăng trưởng khả quan.
Theo dự báo của các chuyên gia, quy mô thị trường tôm toàn cầu sẽ tăng lên 64,53 tỷ USD vào năm 2026 (năm 2020 là 48,7 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,8% trong giai đoạn 2021 - 2026.
Vì thế, để duy trì tăng trưởng xuất khẩu tôm, các DN cần chú trọng quản lý sản xuất và quản lý giống tôm nuôi phù hợp, kiểm soát tốt dịch bệnh và bảo đảm chất lượng con giống cung cấp, tránh rủi ro về khâu sản xuất để ổn định nguồn cung, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tận dụng tốt cơ hội mở rộng thị trường thông qua tăng khả năng cung ứng để bù đắp sản lượng thiếu hụt do các quốc gia cung ứng khác đang chịu tác động tiêu cực do dịch Covid-19 ảnh hưởng sản xuất và chuỗi cung ứng xuất khẩu; tăng năng lực cạnh tranh và thị phần ở các thị trường lớn và chiến lược như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh…
Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, tận dụng lợi thế thuế quan cho xuất xứ thuần Việt Nam của sản phẩm tôm nuôi trong các FTA.
Hà Trần