Xứ Thanh vốn là vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”, nơi có truyền thống hiếu học, yêu nước và cách mạng. Từ buổi đầu, vượt qua mọi ràng buộc của nền giáo dục thực dân, lớp học sinh ưu tú của nhà trường đã thức tỉnh, tiếp thu ánh sáng cách mạng của Đảng, phát huy tinh thần yêu nước. Nhiều phong trào yêu nước đã diễn ra sôi nổi như: tẩy chay phường xiếc Harmiston’s; Kỷ niệm cách mạng tháng mười Nga; hưởng ứng “Đông Dương đại hội” năm 1936…
Những ngày cuối năm 1946, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thầy trò trường Colle’ge Dào Duy Từ phải sơ tán về nông thôn. Ngày 1/5/1948, Chi bộ Lam Sơn, tiền thân của Đảng bộ Trường THPT Đào Duy Từ được thành lập. Năm 1951, trường THPT Đào Duy Từ được đổi tên thành trường cấp III Lam Sơn. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 12/1954, trường trở về thị xã Thanh Hóa trên mảnh đất hiện nay.
Ở giai đoạn này, xuất hiện các học sinh ưu tú, sau này đã trở thành những nhà khoa học lớn, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước như các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Vũ Tuyên Hoàng, Phan Diễn, Nguyễn Duy Niên…
Năm 1965, do chiến tranh phá hoại miền Bắc, thầy và trò trường cấp III Lam Sơn tiếp tục đi sơ tán. Năm 1970, chuyển về Thị xã Thanh Hóa, năm 1972 tiếp tục đi sơ tán về Đông Sơn, đến năm 1973 hiệp định Pari được ký, thầy trò hân hoan trở về nơi trường xưa thân yêu.
Ngày 20/8/1992, bộ phận Chuyên được tách ra và thành lập trường PTTH Lam Sơn, có trách nhiệm đào tạo học sinh giỏi toàn tỉnh còn trường cấp III Lam Sơn lại trở về với cái tên năm xưa- Trường PTTH Đào Duy Từ.
Ngày nay, những dãy nhà A, nhà B, nhà D… với lối thiết kế mang đậm phong cách Châu âu vẫn còn đó, nơi mà gần trăm thế hệ cựu học sinh đi muôn phương vẫn luôn hướng về, luôn nhớ mong những ngày Thu hội ngộ. Có những người đã được lưu danh trong sử sách, những người đã trở thành anh hùng, nhiều người đang giữ trọng trách của Đảng và Nhà nước, những Doanh nhân thành đạt và có người bình dị với cuộc sống đời thường, góp phần xây dựng gia đình, thành phố và đất nước. Nhiều người lại trở về với trường, đứng trên bục giảng để tiếp tục sự nghiệp trồng người chính tại nơi mà mình đã được ươm trồng, được dạy dỗ lớn khôn.
Biết ơn lịch sử và trả ơn bằng chính sự kế thừa phát huy truyền thống trồng người, cũng là niềm tự hào của biết bao thế hệ thầy cô giáo và học sinh đang ngày đêm nỗ lực cống hiến. Trường PTTH Đào Duy Từ, giờ đây đã trở thành một “Thương Hiệu” của ngành giáo dục Thanh Hóa, các phần thưởng cao quý mà Trường đã nhận được như Huân chương Lao động hạng ba (1989), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm học 2002- 2003), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm học 2010- 2011) và nhiều bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Từ năm 2011 đến năm 2020, tiếp nối truyền thống của trường, tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường đã nỗ lực hết mình vì sự nghiệp trồng người. Được các cấp, các ngành ghi nhận và liên tục nhiều năm là tập thể lao động xuất sắc, được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá tặng cờ thi đua và bằng khen.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, trường cũng đạt được nhiều thành quả. Trường có 81 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp ngành, 8 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh, 2 đề tài khoa học kỹ thuật đạt giải Quốc gia, 17 thầy cô đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, 2 thầy giáo vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và 8 thầy cô đạt giải chiến sỹ thi đua.
Năm học 2021- 2022 này có ý nghĩa đặc biệt đối với lịch sử hình thành và phát triển của Trường THPT Đào Duy Từ. Và ngày 14/11 tới đây, nhà trường sẽ tổ chức lễ kỷ niệm- là dịp nhìn lại chặng đường 90 năm qua, tổng kết lại những kết quả đã đạt được và tôn vinh những giá trị cốt lõi của trường, kết nối truyền thống với hiện đại, định hướng xây dựng và phát triển trong tương lai.
Trường THPT Đào Duy Từ đã và sẽ mãi là một mái trường mà ở đó tính tự giác, tiên phong, gương mẫu, tận tụy, sáng tạo và nhân ái của giáo viên và học sinh, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trang của nghề dạy học, tập thể thầy, cô giáo, các thế hệ học sinh đã và đang giảng dạy, học tập dưới mái trường này, sẽ là một khối đại đoàn kết 90 năm vũng mạnh, đồng hành cùng đất nước vượt qua đại dịch Covid-19 và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp trồng người trong thời kỳ đổi mới.
Lê Nam