Dấu ấn THPT Chuyên Lam Sơn chặng đường 90 năm hình thành và phát triển
Trường THPT chuyên Lam Sơn được phát triển từ Trường Trung học Thanh Hoá (Collège de Thanh Hoá), thành lập năm 1931. Những năm 1943-1950 trường mang tên Collège Đào Duy Từ. Từ năm 1950, trường chính thức lấy tên là Lam Sơn. Là một trong những trường trung học phổ thông chuyên đầu tiên của cả nước và duy nhất của tỉnh Thanh Hoá, tuyển chọn và đào tạo học sinh năng khiếu cấp THPT các môn văn hóa, ngoại ngữ trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa.
Tự hào về Lam Sơn, tự hào về tuổi đời và những thành tích của một mái trường thuộc số ít trường Trung học có lịch sử đã ngót trăm năm. Lam Sơn có thể tự hào sánh vai với những ngôi trường “rêu phong cổ kính” như: Quốc học – Huế (1896), Chu Văn An – Hà Nội (1908), Huỳnh Thúc Kháng – Nghệ An (1920), Lê Hồng Phong – Thành phố Hồ Chí Minh (1927)….
Người ta tự hào về Lam Sơn không chỉ ở bề dày lịch sử mà còn tự hào vì mái trường này đã đào tạo, nuôi dưỡng bao nhiều thế hệ học trò lừng danh. Bởi thế, con đường mà các thế hệ thầy trò trường Lam Sơn đã đi và sẽ đi là một dòng chảy bất tận. Qua mỗi thời kì với những khó khăn và thử thách khác nhau, song nhà trường luôn xác định nhiệm vụ nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang là đào tạo nhân tài cho đất nước. Trải qua bao nhiêu khó khăn, được tôi luyện trong truyền thống hiếu học, thầy và trò trường Lam Sơn đã viết lên những trang sử truyền thống đầy tự hào, trở thành nơi hội tụ của biết bao nhân tài đất nước.
Nhiều thập kỷ qua, trường chuyên Lam Sơn liên tục có học sinh giành giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Tính đến hết năm học 2020-2021, THPT Chuyên Lam Sơn đã có 52 học sinh dự thi quốc tế, đạt 46 giải trong đó có 42 huy chương, 4 giải khuyến khích; có 22 học sinh dự thi quốc tế khu vực, đạt 18 giải trong đó có 14 huy chương và 4 giải khuyến khích; 03 dự án dự thi Khoa học kỹ thuật quốc tế, 01 giải Ba của Hiệp hội Tâm lí –Thần kinh Mỹ. Đồng thời, có tới 1805 học sinh đạt giải quốc gia, trong đó có 87 giải Nhất. 15 năm gần đây, Lam Sơn là một trong số ít trường chuyên của cả nước thường xuyên dẫn đầu về số lượng và chất lượng giải quốc gia, quốc tế hàng năm.
Vượt bao khó khăn vất vả, thầy và trò luôn tích cực phấn đấu rèn luyện trong dạy và học. Tập thể sư phạm đoàn kết, dân chủ, chan hòa, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Cùng với sự cố gắng của giáo viên, học sinh, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh, của Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các cấp, chính quyền địa phương giúp đỡ về vật chất và tinh thần. Những thành tích học tập, sự phấn đấu không ngừng của tập thể giáo viên và học sinh đã lau khô những giọt mồ hôi nhọc nhằn của thầy và trò trong những ngày gian khó.
Lịch sử của trường Chuyên Lam Sơn là một hành trình dài của bảng vàng truyền thống- Một hành trình đằng đẵng nhưng chưa bao giờ là sự đứt đoạn, gãy khúc, mà nó liền mạch từ thế hệ này đi qua thế hệ khác, khẳng định những giá trị cốt lõi mà học sinh Lam Sơn được bồi đắp qua bao thế hệ: Trí tuệ và nhân ái, tự tôn và trách nhiệm, năng động và sáng tạo.
Từ nơi đây, sự trưởng thành khôn lớn của các em học sinh đã luôn là món quà vô giá, là niềm hạnh phúc vô bờ bến, bởi đó là thành quả mà bao ngày cha mẹ, thầy cô đã dày công vun đắp tạo dựng.
Nếu xem những thành tích đạt được là một vườn quả bội thu thì mảnh đất gieo trồng của nó lại đầy mồ hôi và cả ước mơ của người gieo hạt. Biết bao thế hệ thầy cô của ngôi trường này đã cần mẫn xới vun bằng tình yêu của mình với mảnh đất ấy. Là ngôi trường hội tụ những học sinh xuất sắc trên vùng quê hiếu học, việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài đã trở thành trọng trách đối với mỗi thế hệ thầy cô giáo Trường THPT Chuyên Lam Sơn. Trải qua 90 năm với những giai đoạn phát triển khác nhau, tất cả các thế hệ thầy cô giáo nơi đây đều chung một tâm huyết, tận tụy vì học sinh. Bằng lòng yêu nghề, tấm gương sáng cả về tri thức và phẩm chất của người thầy đã tiếp sức, khơi dậy niềm khát khao vươn tới những chân trời kiến thức cho các em học sinh.
Nhà giáo Ưu tú Chu Anh Tuấn- Vị Hiệu trưởng mang dấu ấn đặc biệt với chuyên Lam Sơn
Chuyên Lam Sơn là ngôi trường mang dấu ấn, duyên nợ đặc biệt đối với Nhà giáo Ưu tú Chu Anh Tuấn. Khi nhận nhiệm vụ làm hiệu trưởng ngôi trường này, thầy Tuấn luôn mang trong mình tâm thế đầy tự hào nhưng bộn bề bao nỗi trăn trở, bởi với một địa chỉ giáo dục chất lượng cao nhất tỉnh Thanh Hóa có bề dầy thành tích rực rỡ, làm thế nào để ngôi trường phát triển toàn diện hơn nữa với sự kỳ vọng của học sinh, phụ huynh, toàn xã hội, và làm thế nào để ngôi trường này xứng tầm với chuỗi hệ thống các trường chuyên của cả nước… Do vậy, dù chỉ gắn bó với nơi đây trong vòng 6 năm, nhưng thầy Tuấn đã dành trọn tâm huyết cuộc đời nhà giáo để vun đắp cho mái trường này.
Thầy Chu Anh Tuấn (đứng giữa) cùng ban giám hiệu nhà trường nhân dịp khai giảng năm học
Thầy Tuấn ngưỡng mộ, yêu mến Lam Sơn một cách đặc biệt, thầy đã mất chặng đường gần 40 năm học tập, rèn luyện để trở về mái trường này với cương vị Hiệu trưởng như một duyên nợ định sẵn.
Xuất thân trong gia đình truyền thống hiếu học, thầy Tuấn có trong mình cốt cách của một nhà giáo luôn tâm huyết những vấn đề của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong sự nghiệp của mình, thầy đã tạo nên nhiều dấu ấn khiến khó ai mà không nể phục.
Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm Toán- Đại học Vinh, thầy được phân công giảng dạy tại trường THPT Quảng Xương III, sau đó, thầy chuyển về trường THPT Quảng Xương I và từ đây cùng nhà trường gây dựng nên những thành tựu khó tin. Bởi trước đó, trên bản đồ thành tích giáo dục của ngành giáo dục tỉnh nhà, cái tên Quảng Xương I rất hiếm hoi cho những lần xuất hiện, thì sau khi thầy Tuấn về công tác, nhà trường đã thực sự là địa chỉ đỏ về thành tích mũi nhọn. Đó đã là nền tảng để thầy đến với Chuyên Lam Sơn như một tất yếu.
Thầy Chu Anh Tuấn nhận nhiệm vụ là người đứng đầu ngôi trường chuyên Lam Sơn trong bối cảnh nhiều thách thức, khó khăn khi mà bên cạnh giáo dục đại trà, thì đào tạo mũi nhọn đã thực sự trở thành một mặt trận sôi động. Trong đó, Trường THPT chuyên Lam Sơn lại đảm trách công việc ươm mầm tài năng trên nền giáo dục đại trà của tỉnh. Tuy nhiên, trong một vài năm học trước đó, thành tích tại đây lại chưa có nhiều dấu ấn nổi bật.
Áp lực đè nặng khi vừa nhận nhiệm vụ ở cương vị mới, môi trường mới nhưng không còn con đường nào khác, không còn sự lựa chọn nào khác, thầy quyết tâm dẫn dắt Lam Sơn.
Hơn ai hết, thầy hiểu rằng, vị trí Hiệu trưởng tại trường chuyên Lam Sơn là con đường thách đố những tài năng bậc nhất. Nơi đây chỉ chấp nhận những người có đam mê với tinh thần cống hiến quyết liệt, chứ nhất quyết không dung nạp những cá nhân có tư duy rẽ tắt. Vì vậy, để đạt được thành công và tạo được dấu ấn nơi đây thật sự là con đường dài.
Đúng như cảm nhận của thầy Nguyễn Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng nhà trường: “Thầy Chu Anh Tuấn “yêu” Lam Sơn bằng tình yêu đặc biệt. Là người “thuyền trưởng” chắc tay lái để đưa Lam Sơn trở nên thương hiệu”. Bởi, chỉ trong thời gian ngắn ngủi của 6 năm đứng trên cương vị người đầu tàu cần mẫn, những thành tích mà thầy Tuấn cùng với thế hệ học trò thực hiện được đã bằng 1/3 những thành tích mà Lam Sơn đạt được trong dòng chảy 90 năm xây dựng và phát triển của mình.
Theo đó, tính từ năm 2015, khi thầy Chu Anh Tuấn nhận nhiệm vụ đến nay, nhà trường đã có 341 giải học sinh giỏi Quốc gia (trong đó có 27 giải Nhất); 18 huy chương Olympic khu vực và quốc tế (trong đó có 8 Huy chương vàng, 6 Huy chương bạc, 4 Huy chương đồng). Tổng số huy chương quốc tế đạt được ở giai đoạn này với số huy chương vàng vượt trội. Đặc biệt, đến nay, cả 5 môn dự thi quốc tế của nhà trường, gồm: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học đều đã có huy chương vàng. Lam Sơn đã đạt được thành tựu vẻ vang có sự đóng góp của Nhà giáo Ưu tú Chu Anh Tuấn.
90 năm hình thành và phát triển của trường chuyên Lam Sơn là một chặng đường chưa phải là dài đối với lịch sử, nhưng không phải là ngắn trong cuộc đời mỗi con người. Trên hành trình chứa đầy thăng trầm dấu tích thời gian ấy có bao cuộc chuyển giao và tiếp nối các thế hệ, cũng đã có bao cuộc hội ngộ rồi chia tay. Những thế hệ học trò sau quá trình rèn luyện, tu dưỡng dưới mái trường Lam Sơn đã tung cánh bay đi muôn ngả để khẳng định năng lực, vị trí bản thân; những thế hệ thầy cô sau bao năm tháng cống hiến rồi cũng đến ngày về nghỉ theo chế độ. Cuộc hội ngộ nào cũng đầy niềm tin, hy vọng, hạnh phúc và cuộc chia ly nào cũng thấm đầy những trăn trở suy tư.
Sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày thành lập nhà trường, là niềm vui, là dấu mốc sự kiện quan trọng của cả chung bao nhiêu thế hệ thầy trò, và với riêng thầy Chu Anh Tuấn, đây cũng là dấu ấn thật đặc biệt vì đây cũng chính là lễ kỷ niệm cuối cùng thầy tham dự trước khi nói lời chia tay để về nghỉ hưu theo chế độ.
Dấu thời gian đã nhuộm trắng mái đầu nhưng những kỷ niệm về từng viên phấn trắng, những trang giáo án, những khuôn mặt học sinh vẫn sẽ vẹn nguyên trong tâm trí Nhà giáo Ưu tú Chu Anh Tuấn. Chứng kiến sự phát triển và trưởng thành của ngôi trường này với diện mạo ngày càng rực rỡ, vị thế trường Lam Sơn được nâng lên một tầm cao mới, thầy Tuấn có quyền cảm thấy vui và tự hào vì trong đó có bàn tay vun đắp của mình.
Quãng thời gian công tác nơi đây là cả một quá trình hy sinh, lúc ồn ào cũng có lúc âm thầm lặng lẽ. Lịch sử thành tích của Lam Sơn đã bước qua ranh giới giữa hai giai đoạn xây dựng và phát triển, ở bước ngoặt quyết định như thế, những đóng góp của thầy Chu Anh Tuấn thêm một mốc son quan trọng khiến cho thương hiệu trường Chuyên Lam Sơn thực sự là cái tên chất lượng, là niềm tự hào của vùng đất học xứ Thanh.
Tuy dẫn dắt nhà trường đạt được nhiều thành công là thế, nhưng chưa bao giờ thầy Tuấn tự hào cá nhân về công sức đóng góp của mình, thầy luôn tâm niệm, tập thể nhà trường đoàn kết, cống hiến thì mới đạt được thành công. Và những thành tích này là từ sự may mắn cộng với sức mạnh tổng hợp của quá trình phấn đấu liên tục, không mệt mỏi trong giảng dạy, học tập của thầy và trò, là kết quả tất yếu của sự quan tâm, chỉ đạo sát sao kịp thời mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân Thanh Hóa đã thật sự ưu ái, tập trung cho nhà trường trong những năm qua.
Chặng đường cống hiến cho sự nghiệp ngành giáo dục đã dần đi đến trạm ga cuối cùng, thầy vẫn không thôi trăn trở với con đường phía trước của mái trường Lam Sơn.
Thầy mong muốn, Lam Sơn hiện đã phát triển rồi nhưng cần phải xây dựng đội ngũ giáo viên thực sự có năng lực, đam mê, làm việc có trách nhiệm, chuyên nghiệp và biết truyền cảm hứng cho học sinh. Bản thân các thầy cô cần phải tự bồi dưỡng về nghiệp vụ, năng lực tự học, nâng cao trình độ tiếng Anh và Tin học. Thầy cũng đặt kỳ vọng ở những thế hệ học sinh Lam Sơn, sau khi trưởng thành sẽ quay trở về nơi đây cống hiến và giảng dạy. Cùng với đó, so với các trường chuyên khác, tỷ lệ học sinh Lam Sơn đi du học ở các nước còn là con số khiêm tốn. Căn bản nằm ở trình độ ngoại ngữ của các em chưa nâng cao, chưa đạt điều kiện. Do đó, đây là nút thắt mà thầy và trò cần khắc phục trong những năm học tiếp theo.
Thầy Tuấn cũng thể hiện sự trân trọng những tình cảm, sự quan tâm của lãnh đạo, nhân dân tỉnh Thanh Hóa và mong rằng THPT chuyên Lam Sơn sẽ được tạo điều kiện về cơ chế chính sách về mọi mặt hơn nữa. Nếu làm được những điều này, Lam Sơn sẽ có sự phát triển vượt bậc.
Trong những khoảnh khắc cận kề của giây phút chia tay ngôi nhà Lam Sơn, thầy Tuấn đã viết bức thư đầy yêu thương gửi các em học sinh khối 12 của nhà trường khóa 2018-2021. Đây không chỉ là lời nhắn gửi đến các em, mà bức thư thực sự là tâm nguyện gửi gắm đến biết bao thế hệ học trò Lam Sơn: “ Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Bởi vậy, dù thế nào cũng đừng bao giờ thôi cố gắng, đừng nản chí, đừng đánh mất niềm tin vào cuộc sống, nhất là niềm tin vào bản thân mình. Thầy tin rằng, bước ra từ ngôi trường này, các em sẽ tiếp tục trưởng thành để sống nhân ái và trách nhiệm, sống cống hiến và ý nghĩa.”
Lê Nam- Hoài Thu