Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Vai trò của dòng vốn đầu tư FDI trong phát triển kinh tế

Thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) được xem là một trong những điểm sáng thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam kể từ khi Đổi mới đến nay. FDI đã góp phần làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Việt Nam thực hiện Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài (12/1987) trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội còn rất thấp. Hạ tầng cơ sở nghèo nàn, khoa học công nghệ lạc hậu, nguồn nhân lực phần lớn chưa qua đào tạo,...Trong khi đó, nhu cầu phát triển luôn phải đối mặt với sức ép cần vồn đầu tư, công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh xuất khẩu,... để khai thác lợi thế so sánh nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng cao, giải quyết công ăn việc làm và ổn định đời sống xã hội.

FDI đã đóng vai trò lớn trong đầu tư toàn xã hội tại Việt Nam. Cụ thể, vốn FDI chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư xã hội vào năm 1990 và tăng mạnh lên mức 32,3% trong năm 1995. Tỷ lệ này đã giảm dần trong giai đoạn 1996-2000, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính khu vực (năm 2000 chiếm 20%) và trong giai đoạn 2001 – 2010, chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư xã hội. Trong giai đoạn 2011 - 2020 bình quân vốn FDI thực hiện hàng năm chiếm khoảng 22% vốn đầu tư xã hội.

Mới nhất, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20/10/2023, cả nước có 38.622 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 460,07 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 292 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Nguồn Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nguồn Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Riêng 10 tháng năm 2023, có 1.051 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 19,4% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 5,33 tỷ USD.

Cho đến nay, dòng vốn FDI đã được nhìn nhận như là một trong những “trụ cột” tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Vai trò của FDI được thể hiện rất rõ qua việc đóng góp vào các yếu tố quan trọng của tăng trưởng như bổ sung nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và tạo việc làm,...Ngoài ra, FDI cũng đóng góp tích cực vào tạo nguồn thu ngân sách và thúc đẩy Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Nhờ có sự đóng góp quan trọng của FDI mà Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm qua và được biết đến là quốc gia phát triển năng động, đổi mới, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Khu Kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa có cơ hội đón dòng vốn chất lượng cao

Tỉnh Thanh Hoá là địa phương có vị trí chiến lược giao thông thuận lợi, tỉnh luôn xác định việc thu hút FDI về những lĩnh vực địa phương có thế mạnh là đặc biệt quan trọng.

Theo đó, Thanh Hóa có cảng nước sâu Nghi Sơn có khả năng khai thác trên 100 triệu tấn hàng/năm và tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 DWT đóng vai trò là cửa mở lớn ra biển của khu vực Bắc Trung bộ cũng như cả miền Bắc; Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, hiện đã có các tuyến bay nội địa đến nhiều địa bàn trọng điểm về kinh tế, du lịch trong nước; có cửa khẩu Na Mèo liên thông với nước bạn Lào và các nước ASEAN.

Ngoài vị trí thuận lợi, nhân lực dồi dào, Thanh Hóa còn hấp dẫn nhà đầu tư nhờ môi trường thông thoáng và nhiều ưu đãi. Chính vì thế mà ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam và nước ngoài quan tâm và đầu tư nguồn lực lớn vào đây.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MTV Tce Jeans
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MTV Tce Jeans tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650.000 tỷ đồng; trong đó, lũy kế tới quý III/2023, có 150 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapo, Canada, Đức, Anh, Bỉ, Hungary, Australia...) là tỉnh đứng thứ 8 của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong đó, Nhật Bản là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất trong nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn Thanh Hóa. Có 17 dự án do nhà đầu tư Nhật Bản trực tiếp đầu tư hoặc liên danh với các nhà đầu tư nước ngoài, chiếm tới 86% số vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh. Với số vốn trực tiếp từ Nhật Bản khoảng 6,6 tỉ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư FDI.

Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ làn sóng dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh vẫn tin tưởng vào khả năng khôi phục kinh tế và môi trường đầu tư của Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung. Tín hiệu đáng mừng là nhiều doanh nghiệp FDI đã có kế hoạch tăng vốn, mở rộng đầu tư sản xuất tại Thanh Hóa trong thời gian tới đây.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Toàn cảnh hội nghị Hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023.
Hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023.

Tại hội nghị kết nối Thanh Hoá – Nhật Bản năm 2023 với chủ đề “Thanh Hoá – Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác, phát triển nhanh và bền vững” được tổ chức vào chiều 6/5/2023, do tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Bộ Ngoại giao tổ chức, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã nhấn mạnh lý do các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Thanh Hóa là điểm đến để đầu tư là vì địa phương có nguồn lao động dồi dào, kết cấu hạ tầng, giao thông phát triển. Ngoài ra, Thanh Hóa có khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp được quy hoạch bài bản khoa học, giúp các doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm khi đến đây đầu tư.

Bên cạnh đó, Đại sứ Yamada Takio cũng đánh giá rất cao sự cố gắng nỗ lực của chính quyền tỉnh Thanh Hóa trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch thời gian qua.

Chia sẻ về kế hoạch đầu tư sắp tới của các đối tác Nhật Bản, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa, bằng việc triển khai một số dự án lớn.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio phát biểu tại hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023.

Thanh Hóa nỗ lực tạo cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng

Năm 2023, tỉnh Thanh Hoá kỳ vọng thu hút được 10 dự án FDI, tổng vốn đăng ký khoảng 3.570 triệu USD. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã có nhiều đổi mới trong cách tiếp cận các nhà đầu tư, các nguồn vốn quốc tế thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, đồng thời, luôn quan tâm và hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, đưa Thanh Hoá trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Tỉnh cũng tổ chức tiếp đón, làm việc, đưa nhiều tổ chức, tập đoàn, ngân hàng đi khảo sát thực địa, tìm hiểu và lựa chọn cơ hội đầu tư tại các khu vực trọng điểm. Nhiều đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), đoàn chuyên gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đoàn công tác của nhà đầu tư Ấn Độ, Tập đoàn WHA của Thái Lan, Tập đoàn Ramky của Ấn Độ, Tập đoàn Millennium (Hoa Kỳ), Tập đoàn Compal (Đài Loan), Công ty TNHH JFE Engineering Việt Nam... đã được đón tiếp, giới thiệu cơ hội đầu tư, kịp thời giải đáp thắc mắc và tháo gỡ các khó khăn trong các hoạt động đầu tư.

mmm
Thanh Hoá phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Ngoài cơ chế thông thoáng, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, tỉnh còn tập trung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện xây dựng hạ tầng, kết cấu các khu công nghiệp, tạo mặt bằng sạch và xem đây là yếu tố quan trọng để hấp dẫn đối với nguồn vốn FDI.

Trong giai đoạn 2022-2026, Thanh Hóa sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu, đặc biệt tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp và khu vực trọng điểm.

Điều này đã được cụ thể hóa một phần tại Nghị quyết 357/NQ-HĐND ngày 11/12/2022 của HĐND tỉnh về việc phê duyệt đề án “Giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trong Khu Kinh tế Nghi Sơn”. Thanh Hóa sẽ dành nguồn ngân sách khoảng hơn 11.000 tỷ đồng đầu tư các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp trong Khu Kinh tế Nghi Sơn.

mm
Cảng quốc tế Nghi Sơn

Về vấn đề này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, cho biết: Ngoài cơ chế thông thoáng, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, tỉnh sẽ tập trung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện xây dựng hạ tầng, kết cấu các khu công nghiệp, tạo mặt bằng “sạch” và xem đây là yếu tố quan trọng để hấp dẫn đối với nguồn vốn FDI.

Trong điều kiện một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy do ảnh hưởng của tình hình thế giới, việc “rải thảm đỏ” này sẽ tạo lực hút mới đối với nguồn vốn ngoại tái cấu trúc sau đại dịch Covid-19.

Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Thanh Hóa đang đặt ra mục tiêu thu hút tổng nguồn vốn FDI và đầu tư trong nước (DDI) đạt khoảng 30 tỷ USD. Trong đó, mục tiêu cụ thể sẽ tiếp cận, xúc tiến từ 03 đến 06 công ty sở hữu công nghệ gốc, nằm trong top 500 công ty xuyên quốc gia trên thế giới đầu tư vào Thanh Hóa.

Lê Nam - Hoài Thu