Theo đó, Trung tâm Hỗ trợ nông dân được thành lập trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính, tài sản, trang thiết bị của Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân và Trung tâm chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa có địa chỉ tại số 577, Quang Trung II, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, do bà Bùi Thị Ngọc giữ chức vụ Giám đốc trung tâm và ông Nguyễn Văn Vinh giữ chức vụ phó Giám đốc trung tâm.
Đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, có tư cách pháp nhân, có chức năng, nhiệm vụ tổ chức các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: Hỗ trợ nông dân về vốn của các chương trình, dự án, mô hình phát triển kinh tế, xã hội; chuyển giao tiến bộ khoa học - kĩ thuật; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xã hội nông thôn; liên kết với các doanh nghiệp tập trung xây dựng mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm thông qua sàn kết nối cung cầu…
Tham gia các chương trình phối hợp và ý kiến phản biện các văn bản dự thảo khi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu thuộc chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, thực hiện các công việc khác theo sự phân công của Ban Thường vụ, Thường trực Hội Nông dân tỉnh.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa Trần Bình Quân nhấn mạnh: Thời gian tới, Trung tâm Hỗ trợ nông dân sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng, các doanh nghiệp, nhà trường để tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân; liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng tổ hợp tác và hợp tác xã, đưa các cây trồng, vật nuôi chủ lực vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cải thiện cuộc sống cho nông dân; thực hiện phối hợp, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để cung ứng vật tư, phân bón, máy nông nghiệp trả chậm không lãi cho nông dân đầu tư vào sản xuất.
Xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm thông qua sàn kết nối cung cầu; phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân; kết nối tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh; tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân.
Đồng thời, thực hiện khảo sát, xác định nhu cầu học nghề của nông dân, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các công ty xuất khẩu lao động để xây dựng kế hoạch dạy nghề cho phù hợp. Phối hợp với các trường, các doanh nghiệp, các đơn vị có chức năng để tư vấn, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cho nông dân nhằm nâng cao trình độ nghề đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại địa phương.
Hoài Thu