Trong tâm thức tôi, thời đang là sinh viên Đại học Huế, cứ mỗi lần về Đà Nẵng với gia đình, bạn bè hay rủ nhau qua tận bên quận 3 chơi (bên đó cũng có một số bạn học cùng lớp). Mỗi lần đi qua đó, tôi cứ suy nghĩ như được về quê ngoại hoặc quê nội vậy, lòng vui như hội, thích nhất là được đi trên chiếc phà ngang cũ kỹ, đông người chen chúc, rộn ràng và không quên sợ… phà chìm…
Phà qua sông Hàn, kỷ niệm một thời của người dân thành phố, lúc bấy giờ nó nhỏ nhoi nhưng phải gánh gồng dòng người qua lại đông đúc. Mùa mưa bão, dòng sông đục ngầu mênh mang cuộn chảy, chiếc phà lênh đênh mà lòng người thấp thỏm nỗi lo… Vì lượng người quá đông, không còn chỗ để xoay trở. Mỗi lần sáng đi, chiều tối mới về, vì “ngăn sông cách đò”. Đã mấy chục năm trôi nhanh, vậy mà tôi vẫn nhớ như thể mới ngày hôm qua.
Đà Nẵng trước năm 1997 vẫn còn là đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, người dân thường gọi quận 3 “bên kia sông” thấy xa xôi, cách trở làm sao? Chỉ cách con sông Hàn thôi, mà chênh lệch nhau quá, từ văn hóa, kinh tế, xã hội, đời sống… Vậy nên mới có câu: “Con gái quận 3, không bằng bà già quận nhất” là vậy…
Đứng bên phía thành phố nhìn qua quận 3, bên kia bờ sông Hàn là một dãy “nhà chồ” kéo dài gần hết đường Trần Hưng Đạo bây giờ, nhếch nhác; người dân sống ở khu “nhà chồ” không biết đã bao nhiêu thế hệ? Cuộc sống - mọi thứ sinh hoạt đều trên sông. Đặc biệt, con cái, hầu như không được đến trường với quan niệm lạc hậu, xưa cũ “có đi học cũng bắt được cá, không đi học cũng bắt được cá”!
Nhiều bạn bè tôi hay mặc cảm là ở quận 3. Một điều đáng suy ngẫm hơn là chính người dân quận 3, cứ mỗi lần sang phố mua sắm đồ đạc để chuẩn bị đón xuân về hay có chuyện gì cần, họ lại bảo nhau “hôm nay đi Đà thành”, trong lúc họ đang ở trên đất Đà Nẵng…? Vì một khoảng cách, vì một ranh giới thật mong manh… mà xa dài giữa bờ đông và bờ tây Đà Nẵng…
Cầu Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Nó đã không gánh nổi nhu cầu giao thông đô thị. Sau đó, chính quyền buộc phải nâng cấp cầu đường sắt Trần Thị Lý thành cầu đường bộ, nhưng cũng phải chắp vá năm lần bảy lượt để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân ngày ấy.
Hơn 01 năm sau, ngày Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 02/09/1998, cầu Sông Hàn được khởi công. Đây là một quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đà Nẵng. Cây cầu thể hiện quyết đoán mang tính đột phá của những người đứng đầu thành phố. Kinh phí xây cầu sông Hàn khoảng 100 tỷ đồng, phần lớn do người dân đóng góp. Và tấm lòng, cũng như sự kỳ vọng của người dân đã được đền đáp. Sau gần 1 năm thi công, ngày 29/03/2000, cầu quay sông Hàn được khánh thành. Ngày vui năm ấy vỡ òa và rộn ràng cả thành phố, sang những tỉnh lân cận... Đúng thời khắc quan trọng nhất, nhịp chính của cây cầu từ vị trí vuông góc dần xoay nối nhịp.
Lần đầu tiên, tôi đi trên chiếc cầu trong dịp khánh thành để sang quận 3 một cách nhanh và gần nhất. Trong khung cảnh náo nhiệt, tôi cố nán lại lan can cầu nhìn về phía tây. Cách nơi tôi đứng không xa, chiếc phà nhiều thập niên đưa khách qua lại trên sông Hàn, được “dưỡng lão” - neo đậu tại bến. Niềm vui hòa quyện với hoài niệm làm tôi không nén nổi cảm xúc. Giữa khung cảnh đất và trời, lòng người đang náo nức với thời khắc đổi thay lịch sử, chiếc phà như lặng lẽ hiểu rằng “mình vừa hoàn thành một sứ mệnh lịch sử sau những thập niên dài ra sức gồng mình chấp nhận số phận”…
Cây cầu mới sông Hàn ra đời, Thành phố biển như bừng tỉnh, sau những thập niên dài ngủ quên, đến lúc phải vươn vai, sải bước về phía biển. Từ đó, hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng mọc lên, bờ đông sông Hàn thay đổi diện mạo đến chóng mặt. Đà Nẵng lúc đó như một đại công trình, làm cho chính người dân thành phố, kể cả giới báo chí như chúng tôi, phải ngỡ ngàng, huống gì khách thập phương đến?
Khu “nhà chồ” cùng những dãy nhà nhếch nhác, tạm bợ dọc bờ sông, nhường chỗ cho tuyến đường ven sông (nay là đường Trần Hưng Đạo) diễm lệ. Quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn thay da đổi thịt từng ngày, hòa cùng với các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu… làm nên một diện mạo mới hoàn toàn, đầy xuân sắc cho đô thị Đà Nẵng xứng tầm với vị thế mới.
Cầu sông Hàn có một vị trí đặc biệt trong lòng người dân Đà Nẵng là vậy!
Chừng 03 năm sau (16/01/2003), thành phố lại khởi công xây dựng cây cầu mới và khánh thành vào giữa năm 2009. Xuôi về phía hạ lưu, nơi sông Hàn đổ ra biển, cầu Thuận Phước - cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam và cũng được xem là cây cầu đẹp nhất nước bởi vị trí và kiến trúc độc đáo. Có người ví cầu Thuận Phước như một dải lụa nối 02 bờ sông tại cửa sông Hàn, càng lung linh, huyền ảo và lộng lẫy khi đêm về, nhất là vào những dịp thi trình diễn pháo hoa quốc tế, dịp lễ, Tết…
Đặc biệt, khi mùa xuân về - “thả sức” khoe sắc cho thành phố. Cây cầu nối đường ven biển Nguyễn Tất Thành, vượt qua cửa sông Hàn, tiếp giáp các tuyến đường du lịch nổi tiếng Hoàng Sa - Trường Sa vào đến tận Hội An, tỉnh Quảng Nam. Do vị trí đặc biệt, cầu Thuận Phước còn được biết đến như chiếc “chìa khóa” mở cửa cho du lịch Sơn Trà.
Sau đó, Đà Nẵng tiếp tục khánh thành cầu Rồng và cầu mới Trần Thị Lý được thiết kế, thi công với hình dáng kiến trúc, giải pháp kết cấu độc đáo. Cầu Rồng ở ngay vị trí trung tâm của thành phố, được ví như cây cầu của những kỷ lục. Hình dáng cầu Rồng được mô phỏng theo hình tượng con rồng thời Lý, gửi gắm ước vọng vươn lên mạnh mẽ của thành phố trẻ, với tâm thế vươn ra Biển Đông.
Cầu Rồng hiện giữ kỷ lục Guinness “Con rồng thép dài nhất”, được Hiệp hội Cầu đường thế giới ghi nhận là “Cây cầu thiết kế mới lạ và độc đáo nhất Việt Nam”. Cầu Rồng rực rỡ về đêm với 2.500 chiếc đèn LED được gắn trên và có thể thay đổi màu sắc linh hoạt. Hằng tuần, vào lúc 21h, thứ Bảy và Chủ Nhật, người dân và khách thập phương thường tập trung bên 02 sườn cầu, quanh khu plaza, trước bờ sông và dọc đường Bạch Đằng để chứng kiến cảnh đầu rồng phun lửa, phun nước ngoạn mục.
Cầu Rồng, một trong 05 chiếc cầu đẹp nhất Đông Nam Á và là một trong 30 chiếc cầu ấn tượng nhất hành tinh - là điểm du lịch không thể bỏ qua của du khách, khi đến Đà Nẵng.
Cầu mới Trần Thị Lý cùng hệ thống cáp dây văng - tạo nên hình ảnh cánh buồm căng gió đang vươn khơi. Với phương án kiến trúc này, cầu mới Trần Thị Lý là cây cầu thứ hai trên thế giới có kết cấu và hình dáng độc đáo. Sau đó là cầu Tuyên Sơn, cầu mới Nguyễn Tri Phương, cầu Hòa Xuân, cầu bắc qua sông Cái, cầu Cẩm Lệ…
Sự hiện hữu của những cây cầu ấy, cùng với sự phát triển đột phá về cơ sở hạ tầng, đã làm cho gương mặt đô thị Đà Nẵng ngày càng khang trang, diễm lệ, xứng tầm với vai trò “thành phố thủ phủ của miền Trung - Tây Nguyên”.
Riêng cây cầu Nguyễn Văn Trỗi, đầu năm 2012, lãnh đạo thành phố quyết định giữ lại cây cầu này, có kết cấu dạng cầu dàn thép poni với kiến trúc khá đẹp – trở thành cầu đi bộ, đồng thời bố trí cảnh quan phù hợp để người dân và khách thập phương có thể dừng trên cầu nghỉ ngơi, vãn cảnh sông Hàn, cùng vẻ đẹp của cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý (mới).
Việc giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi, vừa như một chứng nhân lịch sử cho bao năm tháng thăng trầm, đổi thay của quê hương, vừa như một công trình phục vụ du lịch - được người dân bày tỏ sự đồng thuận.
Đà Nẵng được cả nước biết đến về sự đột phá trong việc tìm tòi, dựng xây cái mới, hướng tới cái đẹp; nhưng cũng biết lắng nghe để nâng niu, gìn giữ những gì thuộc về lịch sử văn hóa với tất cả sự cầu thị. TP. Đà Nẵng đã vươn lên một tầm cao mới…
Bút ký của Hoàng Hữu Quyết