Việc nhà đầu tư huy động đủ số tiền để thanh toán cho thương vụ đã xóa đi những nghi ngờ về khả năng phải đấu giá lại của SCIC do đơn vị trúng giá chỉ là một công ty tư nhân có năng lực tài chính không quá mạnh.

Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đúng thời hạn với SCIC, An Quý Hưng sẽ trở thành công ty mẹ của Vinaconex với sở hữu gần 255 triệu cổ phần, tương đương 57,7% vốn điều lệ.

Trong phiên đấu giá ngày 22/11, An Quý Hưng đã mua thành công trọn lô cổ phiếu này với mức giá 28.900 đồng mỗi cổ phần, cao hơn gần 36% so với giá khởi điểm. Tổng giá trị số cổ phần bán được đạt gần 7.400 tỷ đồng, cao hơn 1.900 tỷ đồng so với quy mô đợt đấu giá tính theo mức thấp nhất.

Thâu tóm Vinaconex, An Quý Hưng được ví như “cá bé nuốt… cá lớn” - Hình 1

Việc thâu tóm Vinaconex của An Quý Hưng được ví như cá bé nuốt... cá lớn

Việc An Quý Hưng thanh toán đầy đủ số tiền cho SCIC cũng khiến cho nhiều người nghi ngại rằng liệu có giống như kịch bản mua bán cổ phần tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hay không.

Cuối năm 2017, thương vụ bán 53,59% vốn nhà nước tại Sabeco đã làm rúng động giới đầu tư. Công ty trúng đấu giá là Công ty TNHH Vietnam Beverage đã bỏ ra 110 nghìn tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) để mua 343 triệu cổ phần Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ với giá lên tới 320.000 đồng/cổ phần. Và sau vụ mua bán này, nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng khi ẩn sau một doanh nghiệp Việt Nam là một ông chủ người Thái.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tổng lượng nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với một doanh nghiệp Việt là 49%. Nhưng trong thương vụ của Sabeco, đại gia Thái Lan có thể được mua tới 51% cổ phần. Vì sao?

Ngay sau đó, ngày 7/12, Vietnam Beverage đã tăng vốn điều lệ lên 681,6 tỷ đồng; đồng thời chuyển sở hữu sang cho Công ty CP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam. Sở hữu 49% F&B Alliance Việt Nam là Beerco Limited - một công ty do Thai Beverage sở hữu 100%. Thai Beverage là tập đoàn đồ uống Thái Lan thuộc sở hữu của tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi.

Bằng cách này, Sabeco đã về tay người Thái sau một loạt các sở hữu vòng vèo.

Trở lại câu chuyện của An Quý Hưng, theo một nguồn tin riêng thì công ty An Quý Hưng đã thực hiện thế chấp hàng loạt các lô đất thuộc dự án Geleximco – Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn cho ngân hàng Indovina, chi nhánh Thiên Long.

Các lô đất nằm trong hợp đồng mua bán giữa An Quý Hưng và Tập đoàn Geleximco có tổng giá trị khoảng 250 tỷ đồng, theo các biên bản định giá tài sản hôm 23/11. Tuy vậy, đây chỉ là số tiền khá khiêm tốn so với số tiền phải trả cho SCIC là gần 7.000 tỷ đồng.

Chưa rõ ngân hàng hay ông chủ nào thực sự đứng sau An Quý Hưng nhưng việc An Quý Hưng đã thu xếp tài chính vào hạn chót phần nào cho thấy sự “nỗ lực” của nhà đầu tư trúng đấu giá. Và thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Vinaconex mà SCIC thực hiện được đánh giá là thành công, khi đã mang về cho nhà nước cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm đã công bố.

Ngọc Linh