Chiều ngày 22/11 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã diễn ra phiên đấu giá cổ phần của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam Vinaconex (VCG) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sở hữu. Tại phiên đấu giá này, SCIC chào bán trọn lô 254.901.153 cổ phần (chiếm 57,71%) với giá khởi điểm là 21.300 đồng mỗi đơn vị.

Kết quả, nhà đầu tư đặt mua trọn lô cổ phần với giá cao nhất 28.900 đồng/cp đã đấu giá thành công. Tại mức giá này, nhà đầu tư đã phải bỏ ra mức giá cao hơn 10.400 đồng so với mức giá đóng cửa cổ phiếu VCG trong phiên 22/11 (18.500 đồng/cp). Theo đó, nhà đầu tư đã bỏ 7.367 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm SCIC công bố. Và nhà đầu tư trúng trọn lô đấu giá này là công ty TNHH An Quý Hưng.

Việc thu về gần 7.400 tỷ đồng từ cuộc đấu giá này đã vượt sự mong đợi của SCIC bởi lẽ, vào thời điểm năm ngoái, SCIC từng chào bán 96,2 triệu cổ phần Vinaconex, tương đương 22% vốn của tổng công ty này nhưng kết quả không như mong muốn. Đợt đấu giá đó, SCIC chỉ bán được 5,3 triệu cổ phần tương đương 1,2 % vốn điều lệ.

Liệu có nhà đầu tư nào “đứng sau” để An Quý Hưng làm ông chủ mới của Vinaconex? - Hình 1

Phiên đấu giá cổ phần VCG của SCIC đã diễn ra thành công ngoài mong đợi khi xuất hiện một nhà đầu tư trả giá cao hơn 35% so vớ mức giá khởi điểm và 56% so với mức giá thị trường của cổ phiếu VCG

Trở lại việc công ty TNHH An Quý Hưng trúng được trọn lô cổ phiếu của VCG khiến cho giới đầu tư quan ngại rằng, liệu An Quý Hưng có đủ năng lực để huy động số tiền gần 7.400 tỷ đồng để thanh toán cho SCIC trước ngày 5/12 này hay không?

Theo tìm hiểu của PV, công ty TNHH An Quý Hưng được thành lập năm 2001 và có trụ sở tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội)  hoạt động trong lĩnh vực xây dựng do ông Nguyễn Xuân Đông làm Tổng giám đốc.

Tháng 4/2017, An Quý Hưng thực hiện tăng vốn lên 360 tỷ đồng và mới đây, vào ngày 12/11/2018, An Quý Hưng đã hoàn tất tăng vốn lên 500 tỷ đồng, trong đó chỉ có 2 cổ đông là ông Nguyễn Xuân Đông nắm giữ 78,4% cổ phần và vợ ông Đông – bà Đỗ Thị Thanh nắm giữ phần còn lại.

Kết thúc năm 2017, công ty An Quý Hưng có tài sản ngắn hạn gần 550 tỷ đồng, dài hạn 450 tỷ đồng và tổng cộng nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2017, công ty đạt 956 tỷ đồng doanh thu thuần và 62,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Nhìn vào năng lực tài chính của An Quý Hưng, khó có thể tin rằng công ty sẽ một mình huy động đủ 7.400 tỷ đồng thanh toán cho SCIC trong vài ngày tới để trở thành ông chủ mới của Vinaconex. Do đó, nhiều khả năng An Quý Hưng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ một nhóm các nhà đầu tư có năng lực tài chính lớn hơn và có cả kinh nghiệm trong việc khai thác các tài sản của Vinaconex trong tương lai.

Và câu hỏi được đặt ra là nhà đầu tư nào ở đằng sau hỗ trợ tài chính cho An Quý Hưng để mua lại Vinaconex và câu trả lời này đến nay vẫn là một ẩn số.

Công ty TNHH An Quý Hưng được thành lập năm 2001, vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Công ty TNHH An Quý Hưng trở thành công ty chuyên nghiệp trong lĩnh vực xây dựng nhà xưởng công nghiệp tại khu vực miền bắc Việt Nam, đầu tư bất động sản và nhiều lĩnh vực khác với 3 công ty thành viên: Công ty công nghệ vật liệu mới, Công ty Cổ phần truyền thông I-LanD, công ty bất động sản AQH-LAND. Công ty còn sở hữu công ty sản xuất Bê tông AQH999 tại Chương Mỹ và Phùng Xá, Thạch Thất.

Ngọc Linh