Từ vụ ‘lùm xùm” mới này, một số chuyên gia quan ngại thông lệ vượt cấp này lại gây ảnh hưởng đến người đứng đầu Chính phủ vào các sự vụ thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương.
Bamboo tố Cục Hàng không để lãng phí 30 slot/ngày tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất
Trong văn bản ngày 20/4 gửi lên Thủ tướng, Bamboo tố Cục Hàng không để lãng phí 30 slot/ngày tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất (TSN). Trong khi một số hãng hàng không, trong đó có Bamboo có nhu cầu nhưng lại không được cấp thêm slot. ‘Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế điều phối slot hiện hành chưa phát huy hiệu quả, dẫn tới một số hãng hàng không chiếm giữ quỹ slot nhưng không khai thác’’.
Chính vì vậy, Bamboo đề nghị Thủ tướng sớm có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng nói trên có giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất nước (slot) tại các cảng hàng không. Cùng với đó, Bamboo gửi Thủ tướng 2 văn bản hãng này đã báo cáo, đề xuất trong tháng 4 lên Bộ GTVT và Cục Hàng không. Theo thống kê của Bamboo tại kiến nghị này, từ ngày 28/3 đến 4/4/2021, các hãng hàng không khác đã không sử dụng hết hàng trăm slot được cấp.
Thực tế, sau văn bản nói trên của Bamboo, ngày 22/4, Cục hàng không đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT, cho thấy vấn đề và số liệu mà Bamboo nêu là không chính xác. Thực tế, Cục ‘đã triển khai các giải pháp giám sát chặt chẽ tình hình sử dụng đúng slot, các slot không sử dụng của các hãng hàng không và có các chế tài đối với các hãng sử dụng không hiệu quả’; ‘hàng tuần, Cục Hàng không thống kê, công bố kết quả giám sát, hãng có tỷ lệ sử dụng đúng slot trên 80% để xem xét cấp slot bổ sung’.
Trong 2 tuần đầu tiên sử dụng slot bay mùa Hè (28/3 đến 31/10/2021), tỷ lệ sử dụng slot của các hãng đạt tới 94,5% tại Nội Bài và 85,3% tại Tân Sơn Nhất. Thực tế trước đó Cục đã yêu cầu các hãng nâng cao tỷ lệ sử dụng slot và trả sớm trước 7 ngày các slot không sử dụng để cho các hãng khác có nhu cầu, sử dụng. Từ đó, tỷ lệ sử dụng slot tuần từ 12 đến 18/4 đã tăng lên 90,5% tại Tân Sơn Nhất và 95% tại Nội Bài. Qua đó, đã nâng cao hiệu quả sử dụng slot và tạo cơ hội cho các hãng hàng không có nhu cầu có thể tiếp cận, tận dụng thêm slot do các hãng khác trả lại.
Theo báo cáo của Cục Hàng không trong giai đoạn này, chính Bamboo cũng không sử dụng hết slot được cấp (có 3 trong 4 tuần Bamboo không sử dụng 100% slot được cấp ở Nội Bài và TSN). Về cáo buộc để lãng phí slot, theo Cục Hàng không, phần lớn các slot không sử dụng là slot ban đêm (từ 23 – 5h). Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước tăng slot, Cục đã cấp slot ở các sân bay trong nước của hãng bay nước ngoài không sử dụng (do dịch Covid) để cấp cho hãng bay trong nước.
Một trong những thông điệp quan trọng đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính là phân cấp phân quyền mạnh. Chính phủ, Thủ tướng không làm thay các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, với một vấn đề thuộc thẩm quyền của Cục Hàng không như slot, Bamboo vẫn ‘mách’ lên Thủ tướng và tố sai nội dung, số liệu. Điều này gây mất thời gian của Thủ tướng, ảnh hưởng đến uy tín, năng lực quản lý, điều hành của Bộ GTVT.
Bamboo có ‘vượt đèn đỏ’?
Bình luận về những lùm xùm quanh chuyện slot, chuyên gia hàng không, PGS, TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, lỗi trước tiên thuộc về Bamboo do tăng trưởng nóng. Theo quyết định của Thủ tướng khi cấp phép vận chuyển hàng không cho Bamboo, hãng này chỉ được phát triển đội tàu bay hằng năm và lên đến 10 chiếc vào năm 2023. Tuy nhiên chỉ hơn 6 tháng sau khi hoạt động, vào tháng 7 năm 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cấp phép cho Bamboo phát triển đội tàu bay lên đến 30 chiếc vào năm 2023. Chưa dừng ở đó, tháng 4 này, Bamboo đã tăng đội tàu bay lên 30 chiếc, sớm hơn quy định gần 2 năm. Mới đây, ông Trịnh Văn Quyết tuyên bố với các nhà đầu tư FLC: ‘Hiện nay, Bamboo đang có 30 tàu bay, chúng ta đã làm thủ tục xin giấy phép đầu tư mới. Dự kiến trong quý II này, Bamboo sẽ được cấp phép khai thác trên 30 tàu, có thể là 50 hoặc 100 tàu tùy chúng ta’!
Điều này, theo Tiến sĩ Tống là gây áp lực rất lớn đến việc phân bổ slot bay của Cục Hàng không, đến việc nâng cấp hạ tầng hàng không của Bộ GTVT và ảnh hưởng đến kế hoạch tăng thêm tàu bay hàng năm của các hãng khác. Bởi hàng không là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Căn cứ vào nhu cầu và tốc độ phát triển của thị trường; vào khả năng chịu đựng của hạ tầng hàng không (vốn đã quá tải từ lâu, đặc biệt là ở TSN, Nội Bài, Đà Nẵng) và vào năng lực điều hành bay, cất hạ cánh của Tổng công ty Quản lý bay, Chính phủ, Bộ GTVT mới duyệt số lượng tàu bay và kiểm soát kế hoạch tăng thêm tàu bay hàng năm của các hãng. Bamboo tăng dồn dập tàu bay không theo lộ trình thì Bamboo phải chịu trách nhiệm nếu không đủ slot, thậm chí cần có chế tài cho hành vi này.
Trước đây, theo giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được cấp, Bamboo được chấp thuận với căn cứ khai thác ở sân bay Phù Cát (Bình Định), do các sân bay lớn đều đã quá tải nên không được đặt tại TSN, Nội Bài hoặc Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, hầu hết tàu bay của Bamboo đỗ qua đêm ở TSN và Nội Bài. Điều này không chỉ đơn giản là làm chật chỗ đỗ qua đêm mà kèm theo đó là phải bổ sung slot cất hạ cánh cho Bamboo ở 2 sân bay này. Như vậy, Bamboo đã vi phạm nội dung giấy phép đã cấp cho hãng này.
Không chỉ ‘vượt đèn đỏ’ về số lượng tàu bay, về sân đỗ qua đêm, mới đây Bamboo đã bán vé vượt gấp đôi slot đã cấp cho hãng này ở Nội Bài và bị Cục Hàng không khuyến cáo, tuýt còi. Trong giai đoạn thấp điểm, lượng khách chưa nhiều, các hãng chưa sử dụng hết slot và tàu bay, việc Bamboo bán vé vượt slot một mặt giành khách của hãng khác, làm giảm tỷ lệ sử dụng ghế mỗi chuyến bay của đối thủ, mặt khác tiếp tục gây áp lực lên Cục Hàng không.
Theo chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông, các hãng hàng không đang trong giai đoạn hoạt động chưa ổn định, rất khó khăn vì dịch Covid 19 nên Bộ GTVT và Cục Hàng không cần xuất phát từ lợi ích chung của ngành để kịp thời đề xuất, hỗ trợ cho các hãng và đặc biệt là cần hết sức thận trọng trong việc cấp slot riếng cho từng hãng.
Từ vụ việc này, chuyên gia cũng khuyến cáo các bộ cần chủ động giải quyết dứt điểm các vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình, không đùn đẩy công việc lên người đứng đầu Chính phủ. Bởi Thủ tướng và Chính phủ gánh trọng trách hoạch định chiến lược, tổ chức điều hành, thực hiện những công việc thuộc tầm quốc gia.
Trong điều kiện hạ tầng quá tải, năng lực điều hành cất hạ cánh có hạn như hiện nay, Bộ GTVT, Cục HKVN cũng cần xem lại quy định trong 5 phút, mỗi hãng chỉ được phép cất cánh 1 tàu bay. Vì quy định sử dụng slot 5 phút như vậy không phù hợp với thông lệ quốc tế, làm ách tắc thêm tại các cảng hàng không do thiếu khả năng linh hoạt trong điều hành cất hạ cánh và không theo định chung của hàng không quốc tế (IATA quy định hãng sử dụng chuỗi slot liên tiếp trong 5 tuần của mùa trước sẽ được cấp slot bay mùa tới) và gây bất hợp lý cho các hãng bay lớn, vòng quay sử dụng tàu bay nhiều trong ngày, đặc biệt là vào các giờ cao điểm cần tăng năng lực, điều hành lượng khách thông qua tại các cảng hàng không .
Những vấn đề nêu trên thuộc trách nhiệm của Cục Hàng không và Bộ GTVT. Tuy nhiên, đáng quan ngại là vụ việc vẫn bị kiến nghị vượt cấp lên người dứng đầu Chính phủ. Mặc dù Thủ tướng đã truyền đi thông điệp rất rõ về phân cấp, phân quyền, tăng trách nhiệm và hiệu lực giải quyết công việc của các bộ, ngành, địa phương.
T. H