
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, giá sầu riêng giảm mạnh là do Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam siết chặt quy trình kiểm soát từ đầu năm 2025.
Không chỉ khắt khe, thời gian xét nghiệm kéo dài khiến hàng hoá bị tồn kho tại cửa khẩu. Có lô vượt qua kiểm tra nhưng khi tới chợ đầu mối Trung Quốc đã hư hỏng, nứt trái do thời gian chờ quá lâu. Trước đây, thủ tục thông quan chỉ mất 1-2 ngày, giờ kéo dài cả tuần. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng trái cây, ảnh hưởng rất lớn đến giá thành.
Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-MT tỉnh Hậu Giang, thị trường sầu riêng đang đối mặt với một số thách thức đáng kể, đặc biệt liên quan đến chất lượng, giá cả và tiêu thụ. Giá sầu riêng biến động do các yếu tố như nguồn cung ngày càng lớn do nông dân mở rộng diện tích sản xuất, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa vụ và thương lái thu trái chưa đạt độ chín, ảnh hưởng đến chất lượng cũng như sự cạnh tranh từ các nước trồng sầu riêng lân cận. Đặc biệt là một số nước siết chặt kiểm soát chất lượng sầu riêng nhập khẩu.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-MT TP. Cần Thơ, hiện một số nhà vườn chưa thay đổi tập quán sản xuất, giá thành sản xuất sầu riêng lên đến 40.000 đồng/kg, với mức giá hiện nay coi như thua trắng. Trong khi đó, một số hộ sản xuất đúng các quy trình sản xuất tiên tiến, giá thành chỉ khoảng 10.000 – 12.000 đồng/kg thì vẫn có lợi nhuận.
Hiện ĐBSCL có khoảng 35.000 ha, trong đó, Tiền Giang có đến 24.000ha. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng tự phát trồng sầu riêng tiếp tục gia tăng ở một số địa phương. Việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng không nằm trong quy hoạch, thiếu hệ thống đê bao, thủy lợi và giao thông phù hợp.
Nông dân cần tuân thủ tốt các qui trình sản xuất an toàn, minh bạch, sử dụng phân bón đúng quy chuẩn, tránh dùng phân nhập lậu có chứa chất cấm, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến; nông dân có trách nhiệm hơn trong mối liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra lâu dài. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên đầu tư chế biến sâu sản phẩm từ sầu riêng để nâng cao giá trị. Khuyến khích các hợp tác xã, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để tạo ra một chuỗi cung ứng bền vững, giúp ổn định giá cả và cải thiện hiệu quả tiêu thụ. Nông dân và doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường sầu riêng giúp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Ngoài ra nông dân chủ động kiểm nghiệm từ vườn trước khi thu hoạch. Việc đảm bảo an toàn từ gốc sẽ giúp giảm rủi ro trong khâu kiểm định cuối cùng. Cục Bảo vệ Thực vật đã chỉ đạo tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói. Những đơn vị không đáp ứng quy định về dư lượng thuốc, kim loại nặng hay truy xuất nguồn gốc sẽ bị dừng mã số xuất khẩu, điều kiện tiên quyết để giữ chỗ đứng cho trái cây Việt trên thị trường quốc tế.
Hiện diện tích sầu riêng của Việt Nam khoảng 150 – 170.000 ha, trong đó hơn 70% diện tích đã cho trái, tổng sản lượng đạt khoảng 1,2 triệu tấn trở lên. Các địa phương trồng nhiều như Tiền Giang, Vĩnh Long, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai.
Hiện giá thu mua sầu riêng ngày 21/4 tại các kho ở các khu vực có sự điều chỉnh tăng từ 2.000 – 5.000 đồng/kg đối với sầu Thái, Musang King, Black Thorn. Tuy nhiên cũng đang còn thấp so với năm 2024, có thời điểm sầu Thái loại A đạt tới mức 240.000 – 250.000 đồng/kg.
Trước việc giá sầu riêng biến động Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai các phần việc hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng về việc kiểm soát chất lượng sầu riêng phục vụ xuất khẩu niên vụ 2025.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ cử các trung tâm phân tích trực thuộc, được chỉ định bởi Việt Nam và Trung Quốc, hỗ trợ Lâm Đồng kiểm tra chất lượng sản phẩm sầu riêng xuất khẩu trong niên vụ 2025.
Đơn vị cũng đang nghiên cứu việc thành lập chi nhánh của các đơn vị phân tích tại địa phương nhằm thuận tiện cho công tác lấy mẫu, kiểm nghiệm. Các chi nhánh này sẽ hoạt động theo cơ chế xã hội hóa, phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng giao Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tiếp nhận, đánh giá và chỉ định các phòng kiểm nghiệm thực phẩm.
Đến nay, tổng cộng có 49 phòng kiểm nghiệm được chỉ định. Trong đó 15 đơn vị kiểm nghiệm Vàng Ô và 33 đơn vị kiểm nghiệm Cadimi trong nông sản. Danh sách các phòng kiểm nghiệm, bao gồm kiểm nghiệm Cadimi và Vàng Ô trong mít và sầu riêng, đã được Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông báo rộng rãi toàn quốc.
L.T (t/h)